Thế giới

Toan tính của Triều Tiên khi táo bạo phóng tên lửa bay qua Nhật Bản

Vụ phóng tên lửa mới nhất là lời chứng minh cho tuyên bố Triều Tiên đủ khả năng tấn công đảo Guam không phải lời nói suông.

Sáng 29/8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa qua Nhật Bản mà Thủ tướng Shinzo Abe đã gọi là mối đe dọa "nghiêm trọng hơn bao giờ hết" với đất nước của ông.

Tên lửa bay qua Erimomisaki, phía Bắc của Hokkaido và vỡ thành ba mảnh trước khi rơi xuống Thái Bình Dương, cách khoảng 1.180 km ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Ngay trong sáng nay, cảnh báo đã gửi tới người dân Nhật Bản kêu gọi mọi người tìm nơi trú ẩn.

Theo một số thông tin ban đầu, tên lửa Triều Tiên đã bay xa khoảng 2.700km.

Hàn Quốc phản ứng bằng cách tiến hành một cuộc diễn tập ném bom lúc 9h30 sáng giờ địa phương để kiểm tra "khả năng tấn công Triều Tiên" trong trường hợp khẩn cấp, một quan chức bộ Quốc phòng nước này nói với CNN.

Lần đầu kể từ năm 1998

Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng thành công một tên lửa qua Nhật Bản kể từ năm 1998, khi nước này phóng tên lửa đưa vệ tinh vào không gian.

Các nhà phân tích tin rằng màn thử nghiệm ngày hôm nay đã thể hiện sự tự tin ở mức cao của Triều Tiên so với trước đây.

"Đó là một vấn đề lớn khi phóng tên lửa qua Nhật Bản. Triều Tiên đã tránh hành động này trong nhiều năm do việc thử nghiệm tên lửa luôn yêu cầu phóng về hướng Nam do hướng Đông sẽ khiến thử nghiệm ít hiệu quả (ảnh hưởng bởi chuyển động quay của Trái đất)”, David Wright, Giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu tại Liên hiệp các Nhà khoa học nói.

"Điều này sẽ làm cho Nhật Bản trở nên hoang mang hơn trong lúc thời điểm tình hình đang nóng lên”.

Mỹ hiện đang tham gia cùng với Hàn Quốc trong cuộc tập trận có tên Người bảo vệ tự do Ulchi trong vòng 10 ngày. Phía Triều Tiên chỉ trích cuộc diễn tập là âm mưu xâm lược. Các nhà phân tích nói rằng có khả năng vụ phóng tên lửa là một phần chiến lược của Triều Tiên để chia rẽ Mỹ và hai đồng minh chính trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Chúng ta đã chờ đợi một phản ứng từ Triều Tiên về cuộc tập trận, nhưng điều này đã đẩy ranh giới đi quá một phản ứng bình thường”, Daryl Kimball, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí nhận xét.

Giới phân tích dự đoán sẽ có một vụ thử khác đến tương đối sớm.

Tuy nhiên, Kimball nói rằng các cuộc đàm phán vẫn là giải pháp tốt nhất nhằm xoa dịu trước hành động của Triều Tiên.

“Mỹ và Nhật Bản có quá ít lựa chọn để ứng phó với các vụ thử tên lửa đạn đạo. Do đó đàm phán để yêu cầu Triều Tiên đồng ý ngăn chặn những vụ phóng để đổi lấy việc ngừng các bài tập quân sự trong tương lai là hướng đi hợp lý”, ông nói. “Bình Nhưỡng phóng tên lửa như vậy chỉ vì họ không có lựa chọn nào tốt hơn”.

David Schmerler, nhà nghiên cứu từ trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở Monterery, California cho biết, nếu vụ phóng sáng nay là một thử nghiệm không thành công của tên lửa tầm xa, sẽ không có gì bất ngờ nếu như Triều Tiên nhanh chóng thử thêm một lần nữa.

"Nếu đó là Hwasong-12, họ có thể cố gắng tiến hành một thử nghiệm toàn lực để có thể phóng tới Guam", Schmerler nói với ABC News. "Nếu tên lửa này được xác nhận là thất bại, tôi nghi ngờ thử một vụ thử khác sẽ đến tương đối sớm”.

Chuyên gia này cũng nhận định, tên lửa được phóng từ Soonan, gần Bình Nhưỡng, có lẽ để chứng minh rằng Triều Tiên có thể phóng tên lửa ở bất cứ nơi nào trên cả nước nhờ sử dụng bệ phóng di động.

"Việc tung ra mối đe dọa tăng gấp đôi đến Washington đã cho thấy họ thực sự có khả năng phóng tên lửa tới vùng biển gần đảo Guam. Vấn đề là họ có muốn hay không", Moon Seong Mook, chuyên gia phân tích về Triều Tiên tại viện Chiến lược quốc gia Hàn Quốc nêu quan điểm.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok