Ong vò vẽ còn được biết đến với nhiều cái tên khác như ong bắp cày, ong vàng, ong nghệ,… Chúng có vẻ ngoài khá đáng sợ, thân dài đen bóng xen lẫn màu vàng, ngực màu nâu nhạt và kích thước to hơn ong mật. Mùa sinh sản của loài này là từ khoảng tháng 4 đến tháng 8 âm lịch.
Chúng có thể sống được ở nhiều môi trường, làm tổ ở dưới đất hoặc trên lùm cây, mái nhà, cột điện,… Kích thước của tổ ong vò vẽ tùy thuộc vào thời gian ong làm tổ. Những tổ lớn có thể bằng cái thúng hoặc cái nia, được xây đến 12 tầng và chứa rất nhiều nhộng.
Bình thường, ong vò vẽ khá hiền lành và siêng năng làm việc. Nhưng khi có người động đến tổ hoặc cảm thấy bị đe dọa, chúng sẽ trở nên hung dữ, kiên quyết tấn công “kẻ địch” đến tận cùng. Người khỏe mạnh nếu bị ong vò vẽ đốt thì cơ thể sẽ sưng to, đau nhức và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam đã từng sử dụng loài côn trùng này như một vũ khí để đánh giặc. Chính bởi vậy mà việc bắt và chế biến ong cũng không hề đơn giản.
Tổ ong vò vẽ dù to đến mấy cũng chỉ có duy nhất một cửa chính ở dưới đáy, vài trường hợp cá biệt có thêm cửa nhỏ gần phía cuống tổ. Nắm được đặc điểm này, người ta đã nghĩ ra cách dùng rơm hoặc lấy búi giẻ có tẩm dầu buộc vào một cây dài, đợi đến khi đàn ong vào hết vào trong thì châm lửa đốt rồi nhanh tay bịt vào miệng tổ.
Toàn bộ đàn ong bị kẹt bên trong, con nào bay ra sẽ bị lửa thiêu rụi cánh hoặc chết cháy. Đợi đến khi nào không thấy ong bay ra nữa, người đi bắt sẽ lấy tổ ong xuống đem về nhà. Nhờ có bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, du khách khi về miền Tây sẽ được thưởng thức những món ngon vô cùng độc đáo từ ong non và nhộng ong.
Món ăn nổi tiếng và dễ chế biến hơn cả, nhất định phải kể đến cháo nhộng ong. Sau khi lấy hết ong non, ấu trùng và trứng ra khỏi tổ, người dân miền Tây cho tất cả vào nước sôi trụng qua cho săn lại, lấy cho hết chất bẩn màu đen trong ruột rồi rửa sạch bằng nước muối pha loãng.
Tiếp đến, các nguyên liệu này được đảo qua chảo mỡ đến khi chín vàng, thơm nức mũi thì thả vào nồi cháo đang sôi. Cuối cùng, chỉ cần khuấy đều, nêm nếm gia vị vừa đủ, cho thêm hành lá xắt nhỏ là có thể ăn ngay.
Mỗi muỗng cháo gây ấn tượng với thực khách bởi hương vị ngọt ngào, béo ngậy, kết hợp với vị thơm, cay cay, nồng đậm rất riêng. Người cầu kỳ khi ăn món này sẽ dùng kèm với rau cải trời, rau má, chấm với nước mắm dầm và ớt hiểm.
Ngoài ra, nhộng ong vò vẽ còn rất được ưa chuộng khi đem nướng với lá nhàu (loại lá to bằng bàn tay, mọc ở vườn hoặc bờ đê, thường dùng để làm thuốc). Lấy khoảng 10 nhộng ong gói vào 1 lá nhàu, ướp nước mắm loại ngon rồi nướng trên lửa than hồng trong khoảng 5 phút. Khi nhộng ong bốc khói thơm lừng là đã chín.
Ngay khi vừa đưa lên miệng cắn, thực khách sẽ rất thích thú vì nhộng ong vỡ ra mang theo cả chất béo, ngọt, bùi hòa quyện cùng vị đắng của lá nhàu. Món này thường chấm cùng muối tiêu chanh hoặc nước mắm ớt sẽ cho hương vị “chuẩn” nhất.
Đặc sản cuối cùng nhưng cũng không kém phần độc đáo, đó chính là rượu ngâm ong vò vẽ. Sau khi đốt tổ, người ta nhặt lấy những con ong bị cháy cánh đem về rửa sạch, cho vào rượu đế loại thượng hạng, ngâm trong khoảng 6 tháng là có thể đem ra uống.
Nhiều người có kinh nghiệm truyền tai nhau, nếu bị ong vò vẽ đốt thì phải tìm ngay búp măng non, nhai thật kỹ rồi đắp vào vết ong cắn. Việc này sẽ giúp giảm đau, không xảy ra các triệu chứng như sốt, đi tiểu ra máu…
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí