Trong tỉnh

Tỉnh Thanh Hóa được thành lập thêm 2 thị trấn

Sáng 27/4, với 100% các đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin tại phiên họp.

Thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm

Theo Tờ trình của Chính phủ, huyện Yên Định cách thành phố Thanh Hóa khoảng 25 km về phía Tây Bắc, có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, có quốc lộ 45 đi qua, kết nối các huyện miền núi phía Tây với Cảng hàng không Thọ Xuân và cảng biển nước sâu Nghi Sơn, là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực phía Tây bắc của tỉnh Thanh Hóa.

Xã Quý Lộc và xã Yên Lâm được quy hoạch trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, trung tâm công nghiệp, vật liệu xây dựng kết hợp với dịch vụ hỗ trợ nghề đá, là đầu mối giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc huyện Yên Định với các huyện giáp ranh. Thực hiện quy hoạch được duyệt, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển trên địa bàn các xã. Đến nay, kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt là phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, dịch vụ, thương mại, tạo bước chuyển dịch lớn trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn. Vì vậy, thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm là cần thiết, cùng với thị trấn Thống Nhất và thị trấn Quán Lào tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Định.

Thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ

Đối với thành lập thị trấn thuộc tỉnh Đồng Nai, tờ trình của Chính phủ cho rằng: Xã Long Giao nằm ở vị trí trung tâm của huyện Cẩm Mỹ, là ngã ba kết nối các trục giao thông huyết mạch trong vùng, có trụ sở hành chính của huyện đặt trên địa bàn, là trung tâm phát triển kinh tế-xã hội của toàn huyện. Đồng thời, từ khi hình thành và phát triển đến nay, huyện Cẩm Mỹ chưa có trung tâm huyện lỵ (thị trấn). Vì vậy, việc thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ là yêu cầu cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, để huyện Cẩm Mỹ có trung tâm huyện lỵ theo quy định và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn.

Chuyển 2 xã của huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình, thành lập thị trấn Yên Sơn

Đối với điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thị trấn thuộc tỉnh Tuyên Quang, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hiện nay, huyện Lâm Bình có 3 xã (Hồng Quang, Thổ Bình và Bình An) cùng với 2 xã của huyện Chiêm Hóa (Phúc Sơn, Minh Quang) nằm trong lòng chảo, bao quanh bởi dãy núi cao và bị ngăn cách với các xã còn lại của huyện Chiêm Hóa bởi đèo Lai. Người dân của các xã nêu trên có nhiều nét tương đồng và cùng liên kết phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, do thuộc quản lý của 2 huyện khác nhau nên việc lập quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho cụm xã chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực để thu hút đầu tư, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các xã trong phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính nhằm chuyển 2 xã của huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình quản lý là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Bên cạnh đó, bà Trà cũng cho biết: Lăng Can là xã trung tâm của huyện Lâm Bình, là đầu mối giao thông quan trọng. Hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa tại xã Lăng Can đặt ra yêu cầu cần thiết phải thành lập thị trấn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của huyện Lâm Bình. Các thôn Cầu Trôi, thôn 11 và thôn Đồng Chằm thuộc xã Tứ Quận; thôn 1, thôn 6 thuộc xã Lang Quán tiếp giáp với xã Thắng Quân cùng nằm trên trục quốc lộ số 2 tuyến Tuyên Quang đi Hà Giang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, có nhiều nét tương đồng về văn hóa.

Đồng thời, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt quy hoạch chung và được đầu tư xây dựng trung tâm thị trấn huyện lỵ Yên Sơn (bao gồm toàn bộ xã Thắng Quân và 5 thôn thuộc hai xã Tứ Quận và Lang Quán). Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn Yên Sơn là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong khu vực và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội huyện Yên Sơn.

Các Nghị quyết trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian để kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu, giấy tờ của công dân, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và không làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Tác giả: Hoài Vũ

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok