Đây là chia sẻ của anh Nguyễn Trung Sơn, bố của nữ sinh viên Nguyễn Minh Vân hiện đang học năm cuối khoa Công nghệ Thông tin - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông mắc chứng bệnh xương thủy tinh hiếm gặp.
Tuổi thơ trên giường bệnh
Thấp thoáng phía cuối hành lang giảng đường Học viện Bưu chính viễn thông, bóng dáng một nữ sinh chầm chậm di chuyển từng bước trên đôi nạng inox đang tiến tới. Ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Minh Vân (SN 1996), sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin là cô gái nhỏ nhắn, chỉ cao chừng 1m40 cùng nụ cười tươi rạng ngời luôn trực đón chúng tôi.
Quả thực, khi nhìn Minh Vân, tôi chỉ nghĩ em bị đau chân nên phải dùng nạng y tế không phải bị mắc chứng bệnh xương thủy tinh hiểm nghèo.
Bước chậm từng bước, Minh Vân tâm sự: “Mẹ thường kể, em sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng đến khi được 20 ngày tuổi, trong một lần thay áo do trớ sữa, hai cánh tay của em đã bị gãy làm đôi; cả nhà rất hốt hoảng và đưa em nhập viện phẫu thuật”.
Cũng chính sau lần bị gãy tay đầu tiên đó, bố mẹ Minh Vân đã phát hiện cô con gái mới sinh của mình bị mắc bệnh xương thủy tinh thể nhẹ, một căn bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam. Đau lòng hơn, bác sĩ cũng khuyên gia đình không nên đẻ thêm con vì đây là gen di truyền do hai nhiễm sắc thể của bố và mẹ cùng bị. Vậy là cuộc sống của gia đình Minh Vân gần như rơi vào tuyệt vọng.
Anh Nguyễn Trung Sơn, bố của Minh Vân nhớ lại, cuộc sống gia đình lúc ấy gần như đóng kín cửa hoàn toàn, chúng tôi không muốn tiếp xúc với ai vì căn bệnh quái ác của con gái mình. Cả 2 vợ chồng đều không biết tương lai của con sau này sẽ đi về đâu. Nhưng vì con gái, vì tương lai, chúng tôi buộc phải đứng dậy, xác định là cái nạng nâng đỡ con suốt cuộc đời này.
Anh Sơn chia sẻ: “Tuổi thơ của con bé kém may mắn này gắn liền với bệnh viện nhiều hơn ở nhà, những dải băng trắng bó bột kín chân tay hết ngày này qua tháng khác. Trung bình cứ 3, 4 tháng lại một lần nhập viện vì gãy tay, gãy chân, chỗ này chưa khỏi hẳn lại đến chỗ khác, có khi còn gãy lại 2, 3 lần một vị trí.
Cho nên, mọi việc chăm sóc, bế bồng, thậm chí con khóc, con trớ, con ho đều phải cực kỳ cẩn thận và nhẹ nhàng. Cứ như vậy đến hết năm 6 tuổi thì xương của Minh Vân đã cứng cáp hơn; từng phải trải qua trên dưới 20 lần gãy xương, bó bột nhưng cũng cảm ơn ông trời đã thương con bé mà cho nó sức đề khàng tốt hơn, cho đến giờ con không bị thêm tổn thương nào khác”.
Nhớ về quãng tuổi thơ Minh Vân tâm sự, ngay từ bé đã không thể chạy nhảy, nô đùa như các bạn quanh xóm. Lúc đó chỉ nghĩ bản thân bị ốm nên không thể ra chơi cùng các bạn, khi nào khỏe sẽ tự đứng trên đôi chân của mình mà vui đùa. Có lẽ ngày ấy, ánh mắt khao khát được đi, được chạy đã lớn dần trong Minh Vân.
Được biết, mỗi lần ngã gãy xương Minh Vân đều phải bó bột và nằm bất động trên giường khoảng hai tháng, điều này khiến sức khỏe Vân giảm sút, đồng thời ảnh hưởng đến việc tới trường vì quá nguy hiểm khi các bạn chạy nhảy xung quanh, chỉ cần một va chạm nhẹ sẽ khiến xương của Minh Vân vỡ vụn như đánh rơi chiếc ly thủy tinh xuống đất.
Cơ thể bằng xương thủy tinh, nhưng ý chí bằng sắt thép
7 tuổi, dù vẫn phải nằm im trên giường vì xương chân quá yếu không thể di chuyển tập đi được, Minh Vân vẫn một mực đòi bố dạy chữ, dạy viết để được đến học lớp 1. Bố mẹ đã ngăn cản, không cho đến lớp vì sợ con phải chịu thêm những đau đớn, nhưng bằng sự quyết tâm, ham học mà gia đình đã quyết dồn toàn lực chăm sóc cho Minh Vân tới trường.
Minh Vân vẫn nhớ như in, mỗi ngày lên lớp bố đều cẩn thận nhắc nhở không được di chuyển, nằm im một chỗ từ đầu giờ học đến khi tan trường bố đến đón về. Lúc ấy, Vân cũng lờ mờ đoán được bệnh của mình nhưng cũng không hiểu vì sao lại yếu hơn các bạn đến thế và vẫn luôn thèm khát được chạy nhảy nô đùa trong lớp.
“Khi em ý thức được bản thân không có khả năng chạy nhảy, nô đùa như các bạn, em thấy mình thật khác biệt, một người không bình thường. Thay vì đi chơi với các bạn trong xóm, em thường quanh quẩn ở nhà và trò chuyện với người thân…”, Minh Vân kể.
Lớn lên từ những gánh tỏi của mẹ, bằng những giọt mồ hôi của bố, cô bé Minh Vân chưa từng nản chí khi bản thân không giống các bạn bởi em muốn cố gắng, nỗ lực để bố mẹ cảm thấy tự hào về mình.
Không muốn là gánh nặng của gia đình, Minh Vân nỗ lực học cách tự chăm sóc bản thân, học các bước đi bằng chính đôi chân của mình. Từng có lúc phải bám vào lan can, ghế, bàn để dò dẫm bước đi, cứ thế thật chậm, thật chậm từng bước, cuối cùng Minh Vân đã tự đứng được trên đôi chân của mình sau 14 năm nằm im trên giường.
Từ năm lớp 1 cho đến hết lớp 12 Minh Vân luôn nỗ lực gấp bội phần các bạn trong lớp để theo kịp chương trình kiến thức cần học. Cô học trò nhỏ ấy thường tự học ở nhà thay vì đi học thêm, học trong sách giáo khoa, sách tham khảo rồi lại xin đề của các thầy cô về luyện.
Nhờ đó, Vân đã sở hữu một bảng thành tích học tập xuất sắc với nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi, từng được lựa chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Toán, Hóa của trường.
Và Minh Vân đã hiện thực hóa ước mơ đến cổng trường đại học để khẳng định mình; năm 2015 cô gái đầy nghị lực ấy đã đỗ vào khoa Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ và Bưu chính viễn thông với 22 điểm khối A (Toán, Lý, Hóa).
Ngày Minh Vân nhập học, xa nhà, xa bố mẹ để tự lập càng là trở ngại lớn hơn bất kỳ điều gì. Nhưng cô tân sinh viên ngày ấy đã đánh liều xin bố được vào ký túc xá để ở, vừa đảm bảo an toàn, gần lớp học để gia đình không phải bận tâm nhiều.
Minh Vân tâm sự: “Em đã là gánh nặng cho bố mẹ suốt 18 năm qua; bố sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ và sự nghiệp, bỏ tất cả qua một bên để sát cánh đưa đón em mỗi ngày tới trường. Mẹ gồng mình lên vác những bao tải hành tỏi to gấp đôi người mình hàng đêm chỉ mong để kiếm thêm tiền cho em được hưởng hạnh phúc như đứa con bình thường. Bố mẹ đã gù lưng vì những nhọc nhằn, là “cái nạng” chống đỡ cho cuộc đời em, em nợ bố mẹ một tương lai”.
Nói đến đây, cô sinh viên đầy nội tâm đã rơi lệ, giọng của Minh Vân như lạc đi nhưng cũng không làm chúng tôi rời mắt khỏi khuôn mặt đang sáng bừng sức sống ấy.
Vân nói, tháng 12 năm nay sẽ tốt nghiệp và nộp hồ sơ ứng tuyển vào tập đoàn viễn thông để viết tiếp giấc mơ trở thành lập trình viên tài năng, được thử sức làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, chứng tỏ với mọi người: “Minh Vân của ngày hôm nay đã tự bước đi trên chính đôi chân của mình”.
Tác giả: Hà Cường
Nguồn tin: Báo Dân trí