Vân nói sau khi thi xong kỳ thi THPT quốc gia năm nay để lấy bằng tốt nghiệp, em sẽ đi kiếm việc làm phụ giúp bố mẹ.
Cô gái “xương thủy tinh” giàu nghị lực
Nguyễn Cẩm Vân sinh năm 1998. Năm Vân lên 3, trong một lần chơi đùa, em bị ngã gãy chân, từ đó với em và gia đình là những chuỗi ngày đau đớn.
Nguyễn Cẩm Vân trong lễ bế giảng cuối cùng đời học sinh
|
Cẩm Vân chia sẻ “Em được sinh ra như những đứa trẻ bình thường khác, cũng chạy nhảy, đùa nghịch như các bạn. Biến cố xảy ra khi em bị gãy chân lần đầu tiên năm 3 tuổi. Từ đó, xương của em rất dễ gãy. Phải nói rằng, xương của em bị gãy nhiều tới mức em không còn nhớ nổi nữa”.
Cô Nguyễn Thị Tám, mẹ của Vân, cho biết khi thấy xương của em có dấu hiệu bất thường, gia đình đã đưa đi khám nhiều nơi như Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Việt – Đức… Cứ được ai mách địa chỉ nào tốt là gia đình đưa con đi, nhưng không chữa được.
Sau những lần bị gãy, xương của Cẩm Vân bị biến dạng, cong queo. Em bị những cơn đau hành hạ, cơ thể em cũng yếu ớt và bé nhỏ. Thêm vào đó, Vân hoàn toàn không thể đi lại bằng chân, mọi việc sinh hoạt, di chuyển đều cần có người giúp đỡ.
“Ngày bé em rất vô tư, cứ nghĩ lớn lên sẽ đi lại bình thường được. Nhưng từ sau khi biết bệnh của mình, em cảm thấy mặc cảm vô cùng. Em sợ những ánh mắt hiếu kỳ nhìn mình, sợ những lần bị phân biệt so với những đứa trẻ khác”, Cẩm Vân tâm sự.
Cẩm Vân cũng từng là một cô bé ngang tàng, hung hăng, bởi em phải tự bảo vệ mình trước những nỗi đau, bảo vệ sự tôn nghiêm trước những lời lẽ giễu cợt, bàn tán. Rồi dần dần, trong quá trình trưởng thành đầy gai góc ấy, Vân hiểu được rằng, mình phải sống cho mình chứ không phải ai khác. Vì vậy, em học cách bỏ ngoài tâm trí những điều không hay và hướng về gia đình, những người luôn yêu thương em hết lòng.
Để giờ đây, khi ngồi giữa sân trường, trong ngày lễ bế giảng cuối cùng của cuộc đời học sinh, cô gái 21 tuổi đầy tự tin với gương mặt rạng rỡ và ánh mắt sáng trong khiến nhiều người khâm phục.
Cẩm Vân cho biết bố là người đã truyền cho em nghị lực, tạo cho em tính cách kiên cường và tự tin. Trong suy nghĩ của Vân, bố là một người khá nghiêm khắc, hiếm khi thể hiện tình cảm trước mặt con, nhưng lại luôn thầm lặng quan tâm, chăm sóc.
Giấc mơ đại học xa xôi
12 năm cắp sách đến trường, dù thường xuyên đau ốm, Cẩm Vân vẫn luôn cố gắng. Học lực của em luôn đạt ở mức khá, giỏi. Hiện tại, em đang tích cực ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia tới đây.
Vậy nhưng, khi được hỏi về trường đại học yêu thích, Vân nhẹ nhàng đáp “Em chỉ tham gia thi để tốt nghiệp THPT thôi, việc học đại học với em có lẽ gác lại”.
Lý do Cẩm Vân quyết định không học đại học bởi gia đình còn nhiều khó khăn. Bố mẹ là lao động tự do, không có nguồn thu nhập ổn định, Vân còn có một em trai năm nay đang học tiểu học. Và cay đắng thay, em trai Vân cũng bị căn bệnh “xương thủy tinh” giống chị.
Mỗi ngày, bố mẹ sẽ thay phiên đưa đón Vân đến trường
|
Cả hai chị em Vân đều yêu thích việc học, bố mẹ hiểu nên đã cố gắng để hai con được bằng bạn bằng bè. Hằng ngày, họ luân phiên nhau đưa 2 con đi học, bất kể trời mưa nắng. Có những hôm trời mưa to, sức khỏe của hai chị em đều yếu, cô giáo khuyên bố mẹ cho ở nhà nhưng cả hai đều không đồng ý.
Mẹ của Vân tâm sự “Khi nghe con quyết định không học đại học, vợ chồng tôi đều rất buồn và băn khoăn trong lòng. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình thật sự không đủ để lo cho con học lên nữa. Trước đây, trường THPT cách nhà khoảng 10km, gia đình vẫn cố gắng cho con đi học đầy đủ. Nhưng trường đại học cách xa hơn rất nhiều. Chúng tôi đều là lao động tự do, phải kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, còn có đứa con trai đang học tiểu học, vì vậy không có nhiều thời gian để ở cạnh để chăm lo cho Vân”.
Thương xót và đau lòng vì sự thiệt thòi của Vân, nhưng chị Tám cũng cảm thấy rất tự hào bởi cô con gái kiên cường của mình. “Nhiều lúc đọc những bài viết của con tâm sự về cuộc đời, tôi lại ngậm ngùi. Nhưng khi chứng kiến cảnh con ngồi tham dự lễ bế giảng lớp 12, tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Dù có thiệt thòi nhưng con đã dũng cảm vượt qua. Hơn nữa, con còn suy nghĩ chín chắn hơn rất nhiều bạn đồng trang lứa”.
Còn với Vân, giấc mơ đại học dẫu có xa vời nhưng em chỉ buồn mà không hối hận. Bởi em biết điều gì là phù hợp cho mình lúc này.
Cẩm Vân tới thăm cô giáo Tào Thị Thảo, sau khi cô bị tai nạn mất hai chân
|
Cẩm Vân nói em chia sẻ câu chuyện của mình không nhằm vào sự thương hại của một ai. Em chỉ muốn lan tỏa nghị lực đến em trai và nhiều người khác nữa. Và em muốn được nhìn nhận giống như những người bình thường, thậm chí để mọi người phải nể phục hơn.
Tác giả: Khánh Hòa
Nguồn tin: Báo VietNamNet