Số hóa

Tin tức giả mạo tràn lan trên Facebook, Google, Twitter sau vụ xả súng tại Las Vegas

Vấn đề liên quan tới thông tin giả mạo lại một lần nữa gây "đau đầu" khi hàng loạt bản tin không chính xác liên tiếp xuất hiện trên các nguồn thông tin "đáng tin cậy" như Google News, Facebook, Twitter sau khi vụ xả súng kinh hoàng xảy ra ở Las Vegas, Mỹ.

Từ một vài năm trở lại đây, Facebook, Google và Twitter đã dành rất nhiều thời gian và nguồn lực trong việc làm "sạch hóa" nguồn thông tin, đồng thời cam kết ngăn chặn sự phát tán thông tin giả và các bài phát biểu sai sự thật trên các nền tảng của mình.

Tuy nhiên, từ hôm qua, thông tin giả mạo liên quan tới vụ xả súng đẫm máu tại Las Vegas khiến 58 người chết vẫn "hoành hành" trên mạng xã hội, khiến người dùng đã rơi vào tình cảnh hoang mang, nay lại càng "không biết đúng sai thế nào."

Ngay cả Google cũng không lọc được các thông tin giả, sai sự thật.

Điển hình trong đó là một bài viết từ diễn đàn 4chan được xếp nổi bật trên Google News có nội dung về danh tính tay súng, đó là một người đàn ông 64 tuổi sống tại Nevada. Tuy nhiên đây lại là thông tin được thu thập từ The Gateway Pundit - trang web chuyên đăng tin "vịt" bằng cách tuyên truyền thuyết âm mưu liên quan tới Cựu tổng thống Barack Obama.

Một số bài viết khác của The Gateway Pundit còn đề cập tới câu chuyện cho rằng tay súng tại Las Vegas là một thành viên của đảng Dân chủ và nằm trong đội quân "Chống phá Trump". Rõ ràng đây là những không tin không đúng sự thật, nhưng vẫn được lan truyền với tốc độ "tên lửa".

Ngay sau đó, The Gateway Pundit đã gỡ bỏ những bài viết nói trên, nhưng người phát ngôn của nhà trắng Lucian Wintrich đã lên tiếng chỉ trích về thông tin sai sự thật và cái mà cách nó được phát tán thông qua Google News và các trang mạng xã hội.

Trang BuzzFeed News thậm chí đã phải biên soạn hẳn một danh sách về những bản tin sai sự thật, trong đó bao gồm các thông tin liên quan tới số người bị mất tích, số người thiệt mạng và người đứng sau vụ xả súng "đẫm máu" bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tính năng Safety Check của Facebook được dành riêng cho các trường hợp tương tự, giúp người dùng cập nhật thông tin và tình trạng người thân, nhưng cũng bị tin tức giả mạo "hoành hành".

Facebook được cho là vô cùng hăng hái cập nhật những nội dung trên tính năng Safety Check - vốn chỉ được kích hoạt sau khi xảy ra một thảm họa thiên tai hay vụ khủng bố nào đó. Nhưng mạng xã hội này cũng không tránh được việc để lọt loạt bài viết từ The Gateway Pundit, khiến cư dân mạng chỉ trích thậm tệ.

Twitter cũng gặp rất nhiều "sạn" và để lọt nhiều thông tin giả liên quan tới danh tính tay súng. Trong đó có bài viết của một người dùng mang tên Laura Loomer đã tuyên truyền rằng nhóm khủng bố Hồi giáo tự xưng ISIS là người chịu trách nhiệm về cuộc xả súng nói trên. Tuy nhiên ngay sau đó, FBI đã đính chính lại thông tin, cho rằng chưa có bằng chứng nào xác minh tay súng có liên quan tới các nhóm khủng bố quốc tế.

Người dùng phản hồi, chỉ trích thông tin giả mạo được lan truyền trên Facebook, Twitter.

Một đại diện của Google đã phản hồi trước vấn đề thông tin giả mạo, thừa nhận "đã để lọt một vài bài viết sai sự thật từ diễn đàn 4chan trong kết quả tìm kiếm".

"Những thông tin như thế này đáng lẽ không được phép hiển thị và bị lọc bỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những cải tiến về thuật toán để ngăn chặn điều tương tự xảy ra trong tương lai", Google cho biết.

Họ cũng nói thêm rằng: "Các liên kết chứa nội dung không chính xác sẽ được gỡ bỏ bằng thuật toán từ một tới vài giờ sau khi xuất hiện trên công cụ tìm kiếm."

Đại diện của Facebook đã đứng ra xin lỗi người dùng.

Facebook cũng lên tiếng xin lỗi người dùng và xác nhận đã để lọt thông tin giả mạo trong "một vài phút". Tuy nhiên khoảng thời gian đó là quá đủ để hàng triệu người dùng chia sẻ bài viết, chụp ảnh màn hình, và từ đó là hoang mang cực độ trong bối cảnh vấn đề liên quan tới cuộc tấn công còn đang nóng bỏng.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok