Một phát hiện mới của nhóm các nhà khảo cổ ở Kazakhstan được đánh giá là “không thể tin được” khi vừa khai quật ngôi mộ cổ 2800 năm tuổi chứa đầy “kho báu” bên trong.
Ngôi mộ cổ nằm tại vùng núi Tarbagatai xa xôi. Tại đây, nhóm khảo cổ tìm thấy khoảng 3000 món vật phẩm là đồ chế tác bằng vàng quý hiếm. “Kho báu” vô giá này được cho là thuộc về các thành viên Hoàng gia cao quý của người Saka ở Trung Á vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước công nguyên.
Trong số những món đồ chế tác, có thể thấy chúng được thiết kế rất tinh xảo, bao gồm bông tai hình chuông, những mảnh vàng với đinh tán, dây chuyền, vòng cổ bằng đá quý. Món trang phục cũng được trang trí cầu kỳ với kỹ thuật tinh vi bằng hạt vàng. Tất cả cho thấy kỹ năng đặc biệt, trình độ đẳng cấp của những người thợ khi làm đồ trang sức ở giai đoạn này.
Các nhà khảo cổ Kazakhstan vẫn hi vọng sớm tìm được hài cốt của chủ nhân kho báu này. Tuy nhiên, họ vẫn chưa mở hầm mộ.
Giáo sư Zainolla Samashev, người phụ trách nhóm khai quật cho biết: “Vẫn còn số lượng lớn những món đồ có giá trị nằm tại hầm mộ. Chúng tôi tin rằng có hài cốt của một cặp vợ chồng chôn tại đây. Họ có thể là người trị vì hoặc có địa vị xã hội của người Saka”.
Những cao nguyên được bao quanh bởi đồng cỏ rậm rạp đưcọ xem là “thiên đường” của các vị vua Saka. Mặc dù một số kho báu đã bị cướp phá, nhưng các chuyên gia tin rằng, họ vẫn tìm thấy rất nhiều vàng trong tương lai.
“Có nhiều gò chôn cất tại đây, đặt ra những triển vọng lớn”, ông Yerben Oralbai, nhà khảo cổ học hàng đầu ở Kazakhstan khẳng định.
Được biết, người Saka là một nhánh của người Scythia – một nền văn minh du mục tại Trung Á kéo dài tới Siberia.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí