Theo kết luận, lũ quét ở suối Son làm bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị chôn vùi là lũ quét nghẽn dòng do cây cối từ thượng nguồn trôi về tạo đập tạm nơi dòng suối bị co hẹp tự nhiên, sau đó mưa với cường độ lớn làm nước dâng nhanh và phá vỡ đập tạm tạo sóng lũ về hạ lưu.
Cảnh hoang tàn ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Theo Tổng cục Khí tượng - Thủy văn |
Dòng nước lũ kèm cây cối bị dồn vào đoạn suối hẹp hơn so với trước đó nên gia tăng tốc độ và chuyển hướng, hướng thẳng vào các ngôi nhà ở bản Sa Ná chứ không chảy theo dòng suối uốn lượn bên cạnh bản như các trường hợp lũ nhỏ. Đây là nguyên nhân chính gây thiệt hại về người, tài sản của bản Sa Ná.
Trước đó, ngày 10-8 vừa qua, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại suối Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Thôn Sa Ná sau trận lũ quét |
Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ TN-MT, cơ quan này cho biết: Suối Son là một nhánh của sông Luồng (một chi lưu của sông Mã), được bắt nguồn từ Lào chảy vào Việt Nam trên địa phận xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Suối Son có chiều dài khoảng 14,4km với diện tích lưu vực khoảng 42km², trong đó đoạn suối chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Huổi Tả Ngươn (chiếm 30% diện tích lưu vực), sau khi vào Việt Nam, suối Son chảy trên địa phận xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa trước khi nhập vào sông Luồng (chiếm 70% diện tích lưu vực). Điểm cao nhất của lưu vực có độ cao 1722m và điểm thấp nhất của lưu vực suối có độ cao 281m (so với mực nước biển). Độ dốc trung bình lưu vực khoảng 4,7%, dốc cao nhất là 20,7% .
Suối Son có điều kiện địa hình thuận lợi cho việc gây lũ quét. Do độ dốc lưu vực lớn, thời gian tập trung nước nhanh; lòng suối co hẹp và mở rộng liên tục, qua một số khe đá tạo ra các nút thắt dễ gây nghẽn dòng tạo nên lũ quét nghẽn dòng.
Vị trí và bản đồ dòng suối Son, bản Sa Ná do nhóm điều tra xác định |
Tại vị trí đầu bản Son cách bản Sa Ná về phía thượng lưu 1,9km (theo đường chim bay), theo hướng dòng chảy là 2,4km có một vị trí lòng suối thắt lại, độ rộng lòng suối 4m, độ sâu 6m (đây là độ rộng và độ sâu khi bị lũ phá ra). Khi chưa bị phá độ rộng lòng suối rất nhỏ. Vị trí mặt cắt nơi này hẹp, hai bên có hai khối đá rất lớn và chắc như thành đập.
|
|
Thôn Sa Ná tan hoang sau trận lũ quét |
Qua điều tra, vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 3-8, lượng cây gỗ và đá trôi về rất nhiều đã gây nghẽn dòng suối tạo thành đập tạm (từ vị trí đập đến bản Sa Ná chênh cao 57m). Lượng cây và đất đá trôi về ngày càng nhiều, có những cây dài tới 15m-17m, đường kính lên tới 2m nên làm nước dâng rất nhanh.
Đến khoảng 6-7 giờ thì đập tạm bị phá vỡ, tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ rất lớn mang theo cây to chảy về hạ lưu.
Tại vị trí bản Son - hạ lưu điểm nghẽn dòng 320m mặt cắt ngang được mở rộng ra đến 85m; Đoạn sông mở rộng này dài 1,1km (theo đường chim bay và khoảng 1,4km chiều dài suối). Đến đây lòng suối thu hẹp lại chỉ còn rộng 20m (đoạn này dài 200m), đoạn suối nhỏ hẹp đã làm gia tăng tốc độ của dòng chảy, đồng thời làm cho dòng chủ lưu chuyển hướng, hướng thẳng vào bản Sa Ná, cùng lượng cây và đất đá mang theo.
Đây là nguyên nhân chính gây nên thiệt hại nặng nề tại bản Sa Ná. Nhận định này phù hợp với các video ghi nhận được khi dòng lũ mang cây cối đâm thẳng vào các ngôi nhà của bản.
Tác giả: VĂN PHÚC
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải phóng