Ngày 29/9 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về kế hoạch rút toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty TNHH Đầu tư P.A.S. (Công ty P.A.S.).
Theo đó, Hội đồng quản trị Công ty Tiên Sơn đã thông qua Nghị quyết rút toàn bộ khoản đầu tư trị giá 26 tỷ đồng, tương đương 52% vốn điều lệ của Công ty P.A.S.. Đồng thời, HĐQT ủy quyền cho Tổng Giám đốc Công ty Tiên Sơn thực hiện các thủ tục thoái vốn phù hợp với quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 22/4/2022, cũng trong báo cáo gửi UBCKNN, Công ty Tiên Sơn thông báo về việc góp vốn vào Công ty P.A.S. với số vốn 26 tỷ đồng, chiếm 52% và trở thành công ty mẹ của Công ty này.
Như vậy, chỉ sau hơn 5 tháng đầu tư, Tiên Sơn Thanh Hóa đã chính thức rút toàn bộ vốn khỏi Công ty TNHH Đầu tư P.A.S. với nguyên nhân chưa được tiết lộ.
Trụ sở của Công ty Tiên Sơn tại Thanh Hóa. |
Theo một số nhà đầu tư, về giá trị dự kiến thu hồi từ thương vụ này sẽ rất khó đoán định, khả năng sẽ là sự thỏa thuận giữa 2 bên với nhau vì thời gian đầu tư chưa lâu. Tuy nhiên, nhiều khả năng Tiên Sơn cũng sẽ có thêm một nguồn tiền để bổ sung hoạt động.
"Động thái thoái vốn khỏi P.A.S. của Tiên Sơn là rất gấp gáp khi Tiên Sơn mới đầu tư và trở thành công ty mẹ của P.A.S. chỉ trong khoảng thời gian hơn 5 tháng. Việc thoái vốn này cũng sẽ tương đối phức tạp nếu không có thỏa thuận hợp lý từ trước. Bởi vì, Công ty Tiên Sơn đang là công ty mẹ, bỗng nhiên bỏ của chạy lấy người sẽ gây nhiều hoang mang cho các nhà đầu tư còn lại", ông Phan Kim Phụng một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, mặc dù Công ty Tiên Sơn ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty con P.A.S. từ tháng 4 (quý II/2022), tuy nhiên trong công bố thông tin 6 tháng của Tiên Sơn không thể hiện các báo tài chính riêng, báo cáo tài chính hợp nhất, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn khi tìm hiểu các thông tin liên quan tới khoản đầu tư này.
Đáng chú ý, trong động thái mới đây, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Tiên Sơn đã "dốc tiền túi" chỉ khoảng 28 tỷ đồng (theo giá tạm tính ngày 30/9) để mua 3 triệu cổ phiếu AAT với mục đích nâng tỉ lệ sở hữu của mình. Giao dịch trên được thực hiện từ ngày 30/8 đến ngày 28/9 theo phương thức khớp lệnh. Hiện, số cổ phiếu mà ông Trịnh Xuân Lâm sở hữu tại AAT tăng từ 4,5 triệu đơn vị (tương đương 7,1% vốn điều lệ) lên 7,5 triệu đơn vị (tương đương 11,8% vốn điều lệ). Đây cũng là lần đăng ký mua thứ 2 trong năm 2022 của ông Lâm, sau lần đầu chỉ mua được 700.000 cổ phiếu trên tổng số 9 triệu cổ phiếu đăng ký mua.
Thời gian gần đây, giá cổ phiếu AAT liên tục giảm. Chốt phiên giao dịch 30/9, cổ phiếu AAT có giá 9.500 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2022 hoặc tới quý I/2023, Công ty Tiên Sơn dự kiến phát hành 65 triệu cổ phiếu AAT với giá phát hành 10.000/cp, tổng trị giá 650 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ công ty lên 1.288 tỷ đồng qua hình thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Để lựa chọn các nhà đầu tư, Nghị quyết đại hội cổ đông công ty xác định lựa chọn các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng điều kiện là các cá nhân hoặc tổ chức trong nước; có tiềm lực tài chính; có khả năng hỗ trợ công ty về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp và có thể đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Ngoài ra, các nhà đầu tư này chỉ được phép chuyển nhượng nội bộ và không được chuyển nhượng cổ phiếu cho đối tượng khác trong thời gian 1 năm. Cũng theo nghị quyết đại hội, việc phát hành, tăng vốn điều lệ này nhằm phục vụ hoạt động mua lại phần vốn góp của các công ty khác hiện đang là chủ đầu tư của một số dự án mảng bất động sản công nghiệp và đô thị; trả nợ ngân hàng và đối tác. Mới đây, Công ty Tiên Sơn tiếp tục có kế hoạch huy động vốn ngắn hạn thông qua hợp đồng tín dụng với Ngân Hàng Đông Nam Á (Seabank) số tiền 100 tỷ đồng, với mục tiêu bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này. |
Tác giả: Việt Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn