Tối 8-12, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã có mặt bên ngoài tòa CT4 - chung cư Sông Đà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi có nhà của ông Đinh La Thăng - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bộ Công an, cho biết việc khởi tố, bắt tạm giam ông Thăng nằm trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam ông Đinh La Thăng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định Khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng theo đúng quy định của pháp luật.
Lúc 19h45 tối 8-12, lực lượng công an có mặt bên trong sân tòa nhà CT4 Sông Đà, nơi có căn hộ của ông Đinh La Thăng, để tiến hành khám xét - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Một chiếc xe biển xanh của Bộ công an rời khỏi khu vực tòa CT4 - chung cư Sông Đà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi có nhà của ông Đinh La Thăng vào tối 8-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can về tội: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Khánh sinh năm 1960, quê Hà Tĩnh, tốt nghiệp kỹ sư địa vật lý chuyên ngành thăm dò địa chất dầu khí tại Đại học Dầu khí Baku (Liên Xô cũ).
Tại thời điểm bị bắt tạm giam, ông Khánh đang làm việc tại Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án điện của Bộ Công Thương và không giữ chức vụ.
Trước đó, Thủ tướng đã cho thôi chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Quốc Khánh được bổ nhiệm chức chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ ngày 19-11-2014 sau khi người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức và bị bắt sau đó do liên quan đến những sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Trước khi được bổ nhiệm chức chủ tịch PVN, ông Khánh từng giữ các vị trí Tổng giám đốc PVN, Phó Tổng giám đốc PVN. Thời điểm làm phó tổng giám đốc PVN, ông Khánh phụ trách mảng sản xuất điện và gắn với hàng loạt các dự án điện do PVN đầu tư trong đó đáng chú ý là các dự án điện lớn gồm Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200 MW), Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200 MW), nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW)…
Tại kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra nhiều khuyết điểm của lãnh đạo PVN các thời kỳ. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng giám đốc cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết 4266/NQ-DKVN của Hội đồng thành viên.
Ông Khánh chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, ông Khánh còn có trách nhiệm liên quan đến những vi phạm, khuyến điểm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.
Bộ Công an cho biết, hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản để sớm kết luận điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Tác giả: THÂN HOÀNG - NGỌC AN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ