Bạn cần biết

Tỉ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam tới 10 lần

Các bệnh lý về tuyến giáp khá phổ biến và trong nhiều trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng. Điều đáng lưu ý là phụ nữ có nguy cơ mắc suy giáp, cường giáp, u bướu, ung thư tuyến giáp... cao gấp nhiều lần so với nam giới.

Theo trang med.news.am, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới từ 3-10 lần. Đặc biệt, nữ giới trong độ tuổi 20 có tần suất mắc bệnh rất cao. Tại Việt Nam, theo một số thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng trên 4,6 triệu người mắc u nhân tuyến giáp, trong đó, có 2% là u ác tính. Tỉ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nam giới.

Vì sao bệnh tuyến giáp thường gặp ở nữ giới?

Tuyến giáp đóng vai trò điều hành sự trao đổi chất

Tuyến giáp là tuyến nội tiết hình cánh bướm nằm ở cổ, có vai trò điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn, có thể gây ra các bệnh cường giáp, suy giáp, đa nhân tuyến giáp, u bướu lành tuyến giáp và ung thư tuyến giáp…

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hương – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thu Cúc: “Sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Phụ nữ phải trải qua những biến động trong nội tiết tố ở các thời kỳ và giai đoạn khác nhau như: trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh và thời kỳ mãn kinh hoặc ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc tránh thai, tiền sử thai nghén, sử dụng liệu pháp hormone hay căng thắng trong cuộc sống... Những thay đổi này đều có tác động tới hormone tuyến giáp, vì thế làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.”

Bác sĩ Hương chia sẻ, đa số các khách hàng đến khám tầm soát ung thư tuyến giáp ở Khoa Ung bướu là nữ giới với các triệu chứng khá điển hình như: cổ phình to, khó nuốt, khản tiếng. Hầu hết họ đều ở độ tuổi trên 30 và đã từng sinh con.

Các nguyên nhân khác gây bệnh tuyến giáp

Bác sĩ Hương cũng cho biết thêm, ngoài giới tính, các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp thường là:

• Thừa hoặc thiếu i-ốt: các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên sử dụng 150mg I ốt mỗi ngày. Một chế độ ăn thiếu i-ốt có thể gây ra bệnh suy giáp. Ngược lại, ăn thừa i-ốt lại dẫn đến tăng chức năng tuyến giáp và gây bệnh cường giáp.

Mỗi người cần sử dụng 150mg I ốt mỗi ngày

• Mắc các bệnh tự miễn: khi mắc bệnh này, tế bào miễn dịch sẽ tấn công những tế bào trong cơ thể bạn và có thể khiến bạn bị mắc các bệnh khác, trong đó có bệnh về tuyến giáp. Nếu mắc các bệnh tự miễn, cần phải khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi, phát hiện và xử trí các bất thường kịp thời.

• Hệ miễn dịch suy yếu: hệ miễn dịch suy yếu kéo theo sự thay đổi về các hormone trong cơ thể, từ đó, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp.

• Tiền sử gia đình: tiền sử gia đình mắc các bệnh tuyến giáp, đặc biệt là ung thư tuyến giáp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên còn lại.

• Tiền sử bệnh cá nhân: đã từng mắc bệnh tuyến giáp hoặc từng phẫu thuật, xạ trị ảnh hưởng tới tuyến giáp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

• Tác dụng của thuốc: sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng virus… hoặc tiếp xúc với bức xạ do tai nạn hay trong thử nghiệm hạt nhân… đều làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh này.

Làm gì để phòng ngừa bệnh tuyến giáp?

Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp bằng các biện pháp đơn giản dưới đây:

Ăn nhiều rau xanh là cách tốt nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp

• Ăn uống khoa học: ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cân bằng hormone tuyến giáp. Cần bổ sung đầy đủ lượng i-ốt cần thiết trong các bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Điều này sẽ giúp tránh được nhiều biến chứng ở cả mẹ và thai nhi.

• Tập thể dục hàng ngày: việc tập thể dục mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật, trong đó có các bệnh tuyến giáp.

• Bỏ thuốc lá: khói thuốc lá có nhiều chất độc hại như thiocyanate - rất nguy hiểm đối với tuyến giáp. Những người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc các biến chứng về mắt của bệnh cường giáp cao hơn người bình thường.

• Khám tầm soát các bệnh lý tuyến giáp định kỳ, khuyến khích cho tất cả nam nữ, đặc biệt là nữ từ 20 tuổi trở lên.

• Khi thấy các triệu chứng như: nuốt nghẹn, nói khàn, cảm giác nghẹt, tức ở cổ cần tìm ngay đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám.

Tác giả: HN

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok