Tình trạng bồi lắng luồng lạch là thực trạng chung mà nhiều cảng cá trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt |
Lúc này trên địa bàn tỉnh có 3 cảng cá và 4 bến cá đang hoạt động, gồm cảng Lạch Hới (TP Sầm Sơn, cảng cá loại II), Lạch Bạng (Tĩnh Gia, cảng loại I), cảng Hòa Lộc (Hậu Lộc, cảng loại II); bến cá Quảng Nham (Quảng Xương); Hoằng Trường (Hoằng Hóa); Hải Châu (Tĩnh Gia) và Hoằng Phụ (Hoằng Hóa).
Điều đáng nói, chỉ một số ít cơ bản đáp ứng được nhu cầu, còn lại phần đa các công trình đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp do thời gian xây dựng đã lâu (cảng Lạch Bạng xây dựng năm 1998, cảng cá Lạch Hới năm 2003, cảng Hòa Lộc năm 2007…), thiết kế đã lạc hậu so với sự phát triển về tải trọng, kích thước, công suất của tàu cá, chưa kể nhiều hạng mục cấp thiết (hệ thống xử lý nước thải, hệ thống bơm, nạo vét luồng lạch…) một số nơi chưa được đầu tư, hoàn thiện. Điều này kéo theo hàng loạt bất cập: lộn xộn khi vào vụ khai thác chính; vi phạm về bảo vệ môi trường; luồng lạch, khu neo đậu bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu cá ra vào, đặc biệt là loại tàu công suất lớn.
Điển hình là Cảng cá Hòa Lộc, qua báo cáo thống kê cho thấy, trong năm 2017 có 2.950 lượt tàu, 3.000 lượt xe ra vào, tổng hàng hóa qua cảng đạt 41.000 tấn, trong đó hàng thủy sản là 15.200 tấn. Bên cạnh thuận lợi là không ít khó khăn, nan giải nhất hiện nay là tình trạng bồi lắng luồng lạch ngày một rõ rệt, nhiều điểm bị thu hẹp đáng kể diện tích khiến cho các phương tiện khai thác thủy sản ra, vào bốc dỡ hàng hóa hoặc di chuyển vào trong âu neo đậu, tránh trú bão gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây có trên dưới chục tàu khai thác khi di chuyển vào cảng gặp sự cố dẫn đến hư hỏng nặng, thiệt hại kinh tế rất lớn.
Lạch Bạng là cảng cá loại I, với vị trí địa lý thuận lợi mỗi ngày có tới hàng trăm lượt phương tiện trong và ngoài tỉnh ra vào. Thế nhưng quá trình bồi lấp cửa lạch khiến các chủ tàu vô cùng ái ngại, nhiều người phản ánh thời gian chờ thủy triều lên có khi kéo dài từ 5-6 tiếng, thậm chí là vài ngày. Đặc biệt, đã có rất nhiều tàu cá công suất lớn “mắc cạn” tại đây, cực chẳng đã họ phải thuê phương tiện cứu hộ chuyên dụng tận… Nghệ An ra giải cứu.
Cảng cá Lạch Bạng |
Thực trạng tồn tại đã lâu, các cấp ngành hiểu rõ bản chất vấn đề, nhưng khúc mắc xung quanh yếu tố “đầu tiên” khiến sự việc chưa được giải quyết dứt điểm. Với tình hình như lúc này, rất khó đòi hỏi các cảng cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đảm bảo hoạt động hiệu quả theo Luật Thủy sản sửa đổi.
Công tác quản lý phương tiện đánh bắt cũng là nội dung đáng lưu tâm. Trao đổi với NNVN, ông Lê Văn Sáng, Chi cục phó Chi cục Khai thác – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết, một số chủ tàu còn hiện tượng giấu ngư trường, chưa tự giác cung cấp thông tin khi hoạt động trên biển; nhiều tàu cá được trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa nhưng lại không có chức năng tự động nhắn tin về trạm bờ, một số khác lắp máy thông tin liên lạc có chức năng định vị vệ tinh (VX-1700) nhưng thao tác vận hành còn đang lúng túng.
Cũng phải nói thêm, trước đây ngư dân chủ yếu sử dụng tàu thuyền nhỏ, công suất bé. Đa phần các thuyền trưởng, chủ tàu không được đào tạo bài bản, họ dựa vào kinh nghiệm từ ông cha để lại nên trình độ rất hạn chế, do đó việc tiếp cận quy trình, xu thế mới không hề đơn giản.
“Kiên quyết không làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm cho các tàu làm nghề lưới kéo. Trung ương, địa phương cần ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân làm nghề giã kéo công suất nhỏ chuyển đổi sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường hoặc khai thác xa bờ. Đồng thời áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để ngư dân chuyển đổi việc làm (không khai thác thủy sản) nhằm giảm áp lực khai thác lên vùng biển ven bờ”. (Ông Lê Văn Sáng, Chi cục phó Chi cục Khai thác – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thanh Hóa) |
“Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ NN-PTNT để sớm thoát ra án phạt của EU, thời gian qua Sở NN-PTNT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện “Kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định”. Song song với đó đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tổng thể hoạt động khai thác hải sản trên biển cũng như lúc cập cảng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý cảng cá tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức đến ngư dân, cán bộ quản lý thủy sản ở địa phương về quy định hiện hành”. (Bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa) |
Tác giả: VIỆT KHÁNH
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam