Thế giới

Thụy Điển giúp Việt Nam cải thiện giao thông công cộng

Các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển đã "hiến kế" giúp cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại Hà Nội và TP.HCM theo hướng thông minh, bền vững.

Hội thảo chủ đề "Thúc đẩy vận hành và quản lý giao thông công cộng hiệu quả" do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển phối hợp tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt trong hai ngày 7 và 8/5.

Thụy Điển từ lâu đã đi tiên phong trong các giải pháp quy hoạch đô thị, thân thiện với môi trường và giao thông an toàn. Từ năm 1970, sự phụ thuộc vào xăng dầu cũng đã giảm đến 90%. Từ năm 1990, lượng xả thải giảm 9% trong khi GDP tăng 50%, theo Đại sứ quán Thụy Điển.

Tại sự kiện, các công ty Thụy Điển trong lĩnh vực công nghệ, chế tạo ôtô... đã trình bày các giải pháp về giao thông công cộng và đô thị thông minh. Các giải pháp hướng đến mục tiêu tăng lượng người sử dụng giao thông công cộng, đảm bảo môi trường an toàn và tận dụng các công nghệ mới nhất như Internet Vạn vật (IoT) và e-mobility.

Hội thảo tại TP.HCM diễn ra sáng 8/5. Ảnh: Đ.P.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg cho rằng các thành phố ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ trong lĩnh vực vận tải, khi mức độ đô thị hóa ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển.

Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo, tính đến năm 2017, khoảng 40% trong tổng số 90 triệu người dân Việt Nam sống tại các đô thị. Con số này dự kiến tăng lên mức 50% vào năm 2025. Với định hướng của chính phủ hướng tới đô thị hóa bền vững, giao thông công cộng trở thành nhân tố chính trong quy hoạch đô thị.

Ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho hay thành phố hiện có 34 điểm ùn tắc, tốc độ lưu thông tại khu vực trung tâm trung bình ở mức 25 km/h, mỗi ngày trung bình xảy ra 10 vụ tai nạn. Ông Lâm cho rằng những yếu kém của giao thông công cộng là một trở ngại lớn cho quá trình phát triển.

"Chúng tôi đang nghiên cứu và học hỏi 'Tầm nhìn Zero' trong lĩnh vực giao thông ở Thụy Điển, nghĩa là tai nạn giao thông bằng không. Một trong những biện pháp là khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng", ông nói.

Thụy Điển được xem là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. về giao thông. Số người tử vong do tai nạn giao thông đã giảm một nửa từ năm 2000 đến năm 2013, với tỷ lệ là 30 trên một triệu người, thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Xe buýt nhanh (BRT) tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM là một trong những vấn đề được thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lê Hiếu.

Trong chiến lược phát triển giao thông công cộng đến năm 2020 định hướng 2030, Việt Nam đặt mục tiêu biến giao thông công cộng thành lựa chọn ưu tiên bên cạnh kiểm soát tăng trưởng xe cá nhân và nâng cao chất lượng giao thông đô thị. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt được 20% số xe buýt và taxi sử dụng năng lượng LPG, CNG hoặc năng lượng mặt trời.

"Sự sáng tạo và kinh nghiệm chuyên môn của Thụy Điển có thể mang lại giá trị lớn giúp Việt Nam tìm kiếm các giải pháp bền vững", Đại sứ Hogberg phát biểu tại hội thảo ở TP.HCM.

Tác giả: Đông Phong

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok