Mòn mỏi chờ tái định cư.
Nằm cách thị trấn Hồi Xuân khoảng 15km, thuyền sắt là phương tiện duy nhất để vượt qua sông Mã, tiếp cận với khu đất tái định cư Sa Lắng, nơi có 53 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu đang mòn mỏi chờ đợi từng ngày để được di chuyển đến khu tái định cư.
Tại đây, nhiều gia đình lay lắt dựng tạm lán để ở và nơm nớp lo sợ trong tình trạng ở không được, đi không xong. Bà con ở đây vô cùng lo lắng vì không biết bao giờ dự án tái định cư mới hoàn thiện để có đất làm nhà.
Để vào bản, phương tiện duy nhất là chiếc thuyền đơn sơ |
Anh Hà Văn Nam cho biết, ngôi nhà của anh thuộc diện bị giải tỏa để thi công dự án thủy điện Hồi Xuân. Năm 2010 gia đình anh Nam nhận quyết định thu hồi đất và được bồi thường thiệt hại. Đã 8 năm trôi qua, nhưng đến giờ gia đình anh vẫn chưa nhận được đất tái định cư để có thể xây dựng nhà mới.
“Nếu bên chủ đầu tư giao đất tái định cư sớm cho tôi thì với số tiền đền bù hơn 200 triệu, cách đây 8 năm tôi có thể làm được ngôi nhà đàng hoàng. Còn bây giờ, nếu có nhận được đất thì số tiền đó không biết có đủ để xây được ngôi nhà cấp 4”, anh Nam nói.
Tương tự gia đình anh Nam, anh Phạm Bá Thúng, một người dân địa phương cho biết dân có nhà mà không dám vào ở vì đã xuống cấp, sợ sập lúc nào không biết.
Những ngôi nhà tạm đang ngày càng xuống cấp |
“Gia đình tôi không dám sửa vì sửa rồi tiền đâu xây nhà mới khi có đất tái định cư, đành dựng tạm lều ở, để chờ ngày được giao đất. Tiền đền bù đã nhận lâu rồi, đợi đến khi nhận đất thì tiền cũng chả có đủ để làm nhà ở”, anh Thúng ngao ngán.
Cũng như vậy, gia đình chị Hà Thị Khương chấp nhận dựng lán ở tạm với hy vọng sớm có đất để làm nhà. Nhưng đến nay, đã bao năm trời vẫn phải mòn mỏi chờ đợi.
“Nhà có 8 nhân khẩu sống trong 2 cái lán dựng tạm bợ, nay gia đình em trai cũng đang chờ đất tái định cư vì không có chỗ để sinh hoạt, lại gửi thêm bà qua ở tạm, chờ đến ngày có đất mới xây nhà thì đón về, khó khăn chồng chất khó khăn” - chị Khương ngậm ngùi.
Cũng theo chị Khương, sau khi triển khai thi công dự án thủy điện Hồi Xuân từ năm 2010, nhưng đến năm 2014, chủ dầu tư đến họp dân và thống nhất đền bù cho dân và để dân chuyển sang khu đất ở mới. Nghĩ sẽ được sang khu đất mới sớm để an cư lập nghiệp nên người dân chấp nhận ở tạm bợ nhường đất cho bên thủy điện.
“Tuy nhiên, càng đợi càng chẳng thấy đất đâu, mặt bằng đến giờ cũng chưa làm xong thì lấy đâu ra đất bàn giao cho chúng tôi”, người phụ nữ cho hay.
Dù xuống cấp nhưng người dân không dám sửa nhà vì sợ hết tiền làm nhà mới nếu sau này có đất tái định cư |
Hiện tại, hàng chục căn đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều căn nhà đã bỏ hoang, ruộng vườn bị hoang hóa do không sản xuất, cuộc sống của người dân chỉ biết dựa vào tiền đến bù mà sống. Nhưng tiền không đẻ ra tiền, số vốn này sớm muộn sẽ cạn.
Người dân cho biết công việc chủ yếu ở bản là làm nương rẫy, trồng ngô khoai dọc bờ sông Mã và chặt chuyển luồng, nhưng từ ngày có công trình nhà máy thủy điện xây dựng mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn.
“Nước dâng rút thất thường không trồng được cây gì, việc vận chuyển luồng cũng khó khăn hơn" nhiều khi nước dâng lên cao thuyền đang bên này sông nhưng đến sáng mai nước rút cạn chúng tôi lại thấy đang treo veo ở vách núi”, chị Khương nói.
Anh Cao Thanh Bình, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Sa Lắng nói, năm 2014 cấp trên yêu cầu phải di dời toàn bộ bà con trong bản để phục vụ cho dự án thủy điện Hồi Xuân.
“Bà con trong bản từ trước đến giờ vẫn rất vất vả, khi được chủ đầu tư vẽ ra viễn cảnh của khu tái định cư mới ổn định hơn, tập trung có đầy đủ các công trình công cộng khang trang phục vụ cuộc sống người dân, ai cũng đều vui mừng nhất trí đồng thuận. Nhưng ngờ đâu đến giờ tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy”, ông Bình nói.
Vận chuyển luồng là công việc thường ngày, nhưng hiện tại đã khó khăn hơn so với trước |
Theo ông Bình cả ban có 53 hộ nằm trong diện di dời. Trong đó có 6 hộ phải di dời khẩn cấp để nhường mặt bằng cho khu tái định cư, họ phải thuê nhà, dựng lán ở tạm. Đa số những ngôi nhà trong bản đã xuống cấp nghiêm trọng, vì thuộc diện phải di dời nên họ không dám bỏ tiền ra sửa. Vì sửa họ sẽ không đủ tiền cho xây nhà mới khi có đất.
Đất tái định cư vẫn chỉ nằm trên giấy
Hứa hẹn nhiều lần giao đất cho dân, nhưng đến nay mặt bằng tái định cư vẫn chỉ là bãi đất trống, cùng với 2 chiếc máy múc và lác đác vài công nhân. Đến thời điểm hiện tại ngoài phần đất nền đã hoàn thành, Công ty Thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa triển khai thi công thêm hạng mục nào và đơn vị thủy điện vẫn chưa có ý kiến gì với người dân về việc giao đất cho người dân để họ ổn định cuộc sống.
Theo quan sát của phóng viên, cũng như phản ánh của người dân, khu đất tái định cư quá hẹp để bàn giao cho 53 hộ dân làm nhà, chưa nói đến đất canh tác, chăn nuôi, hay làm các công trình công công cộng như trường mầm non, nhà văn hóa như đã tính trước đó. Đặc biệt phần lớn diện tích đất ở đây là đất bồi được chở từ nơi khác đến san lấp.
Theo dự kiến khi hoàn thành, khu đất này sẽ được đánh số, người dân sẽ bốc thăm và chia theo diện tích từng hộ là 400 m2/hộ. Điều này khiến bà con lo lắng vì nếu phải chuyển đến khu đất nền yếu, chủ yếu toàn đất bồi thì khi xây dựng nhà sẽ dễ bị lún, gặp nhiều nguy hiểm khi có thiên tai.
Dự án nhà máy thủy điện vẫn dang dở |
Ông Phạm Quang Hạt, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Xuân xác nhận thực trạng này và cho biết, mặc dù đã nhận tiền bồi thường, nhưng những căn nhà đó chưa được giải tỏa và hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn phải chấp nhận sống tạm bợ vì chưa có đất tái định cư.
“Thời gian qua, nhiều hộ dân rất bức xúc nhưng phía chính quyền địa phương, chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết vướng mắc trên mà chỉ phản ánh ý kiến của người dân với các đơn vị liên quan. Huyện cũng đã về làm việc nhiều lần với bên thủy điện, họ cũng đã cam kết nhiều lần nhưng chậm vẫn cứ chậm” ông Hạt nói.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Thái Văn Chấn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng thủy điện Hồi Xuân cho biết trong vòng tháng 4 này sẽ giao đất cho dân và đến tháng 8 sẽ vận hành nhà máy.
“Về đền bù mặt bằng là do Hội đồng giải phóng mặt của bằng huyện làm, còn chủ đầu tư dự án chỉ phối hợp. Việc giao đất chậm là do một số thủ tục chưa xong”, ông Chấn nói.
Chủ đầu tư hứa hẹn tháng 4 sẽ có đất tái định cư và tháng 8 nhà máy sẽ hoạt động |
Cũng theo vị này, thủy điện làm thời gian kéo dài do khó khăn địa hình, vật liệu nhiều, vận chuyển khó, chủ yếu vận chuyển thủ công, phải nổ mìn phá đá...
“Đầu tư một dự án lớn ở vùng đặc biệt khó khăn, kinh phí đền bù hơn 800 tỉ đồng. Chủ đầu tư đã rất cố gắng và làm tốt mọi việc. Người dân được nhận tiền đền bù trước 3 năm thì phải là có lợi chứ”, ông Chấn nói.
Tổng mức đầu tư 3.320 tỉ đồng Thủy điện Hồi Xuân là dự án nằm trên sông Mã, được triển khai thi công năm 2010, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.320 tỉ đồng, công suất 102MW bao gồm 3 tổ máy có sản xuất lượng điện trung bình 432,61 triệu kWh/năm. Đến tháng 10.2014, dự án được chuyển giao từ Công ty Thủy điện Hồi Xuân – VNECO, thuộc Công ty Xây dựng Điện Việt Nam (trực thuộc Bộ Công Thương) cho công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Xây dựng Đông Mê Koong, đơn vị sẽ tham gia với tư cách cổ đông nắm giữ 90% cổ phần để cùng đầu tư hoàn thiện dự án. Đây là công trình trọng điểm, được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển chăn nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần cải thiện môi trường khí hậu. |
Tác giả: Hoàng Ngân
Nguồn tin: Báo Một thế giới