Nhiều bất cập trong chi trả tiền bảo vệ rừng
Theo thông tin phản ảnh của người dân xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, (Thanh Hóa) nhiều năm trở lại đây xuất hiện nhiều bất cập trong công tác chi trả quyền lợi về bảo vệ rừng theo Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ quy định.
Ông Lê Hồng Inh, người dân thôn Trung Thành trao đổi với phóng viên |
Cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 75/CP của Chính phủ ban hành ngày 9/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 quy định về việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng như sau: Đối tượng rừng khoán bảo vệ được hỗ trợ gồm: Diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý; Diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND xã, phường, thị trấn (sau đây viết chung là UBND cấp xã) quản lý.
Đối tượng và hạn mức nhận khoán bảo vệ rừng được hỗ trợ gồm: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng; cộng đồng dân cư thôn được giao rừng theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Điều 54 Luật Đất đai, tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.
Hạn mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ theo quy định tại khoản 3 Điều này tối đa là 30 héc-ta (ha) một hộ gia đình.
Quyền lợi và trách nhiệm của người nhận khoán: Được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm; Được hưởng lợi từ rừng và thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước.
Tuy nhiên nguồn ngân sách Trung ương chỉ bố trí cho tỉnh Thanh Hóa được 34,115 tỷ đồng cho 3 năm, sau khi trừ các khoản, các địa phương chỉ còn nhận 151.000 đồng/ha.
Trao đổi với DĐDN, ông Vi Hồng Inh, thôn Trung Thành, xã Lương Sơn cho biết, số diện tích rừng giao khoán theo danh sách của xã cho gia đình ông là 22,01 ha có cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nhưng thực tế ông cũng không biết diện tích này nằm ở đâu. Và số tiền ông nhận của nhà nước chỉ có 105.700 đồng với số diện tích 1,4 ha rừng phòng hộ cộng với 1 triệu tiền bảo vệ rừng. "Không có chuyện hàng năm tôi được nhận số tiền 3.323.517 như theo bảng kê này", ông Inh bức xúc nói.
Dù đã bị nhận số tiền thấp hơn so với quy định của Nhà nước, thế nhưng tại xã Lương Sơn, người được thụ hưởng tiền bảo vệ rừng lại còn bị chia nhỏ, xé lẻ khiến mỗi năm họ chỉ nhận được không quá 1 triệu đồng. Thậm chí, có những hộ đứng tên trong danh sách có tới hàng chục ha rừng và số tiền nếu nhận đúng sẽ ở mức hơn 4 triệu đồng.
Tương tự như ông Inh, một hộ khác như hộ anh Hà Văn Thương trong danh sách nhận là hơn 3 triệu đồng nhưng người này cho biết, năm nào cũng chỉ nhận 1 triệu đồng tiền bảo vệ rừng. Khi PV hỏi vì sao danh sách số tiền khác với thực tế mà vẫn nhận thì người này cho hay, "cái đó mình không rõ, xã cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu thôi".
Nhiều khi người dân đến làm thủ tục ký nhận nhưng ký trước và nhận tiền sau nên cũng không rõ, khi phóng viên đưa bảng kê danh sách nhận tiền của hộ gia đình mình là 3.177.047 đồng anh Thương cũng bất ngờ với số tiền trên.
Ông Lương Văn Trường, Trưởng thôn Lương Thịnh cũng xác nhận mỗi năm được nhận 1 triệu đồng tiền bảo vệ rừng, dù số tiền trên danh sách anh ký nhận hơn 1,7 triệu đồng. “1 năm họ chỉ cho có thế, còn danh sách chia lần 1 lần 2 chắc là do làm thủ tục thế thôi” – ông Trường nói.
Được biết, mỗi năm, xã Lương Sơn được cấp khoảng 70-80 triệu tiền bảo vệ rừng để chi trả cho dân. Cụ thể năm 2019 xã Lương Sơn được thanh toán số tiền 72.095.553 đồng từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Cán bộ xã “lọt” vào danh sách nhận tiền
Để rõ hơn về số tiền được chi trả trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, phóng viên DĐDN đã trao đổi với ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn. Ông Thiêm cho biết, xã có thành lập tổ bảo vệ rừng, vì vậy số tiền chi trả hàng năm là thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng cho những người được nằm trong tổ và những người được điều động bổ sung, số tiền này thực tế không nhiều.
Bảng thanh toán nhân công khoán tiền bảo vệ rừng năm 2019 xã Lương Sơn |
Anh Ông Lê Văn Trường, cán bộ địa chính lâm nghiệp xã Lương Sơn xác nhận thông tin phản ánh nhận tiền bảo vệ rừng không khớp với số tiền đã ký trên danh sách là do trích lại để chi cho những người không có trong danh sách nhưng vẫn có công bảo vệ rừng. “Chúng tôi thành lập 1 tổ bảo vệ rừng gồm 14 người thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, có những người không nằm trong danh sách được hưởng tiền này nên có trích số trên để cho họ xăng xe’ – ông Trường nói.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được cung cấp danh sách những người này và kế hoạch tuần tra, kiểm tra trong năm cùng với số tiền cụ thể chi như thế nào, ông Trường không cung cấp được.
Danh sách nhận tiền giao khoán nhân công bảo vệ rừng "lọt" nhiều cán bộ địa phương |
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 75 của Chính phủ, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, thì được hỗ trợ tiền trồng rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo hàng năm, nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Thế nhưng, thay vì ưu tiên cho người đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn được thực hiện công tác bảo vệ rừng để có thêm thu nhập thì toàn bộ danh sách đều là tên cán bộ xã, thôn.
Cụ thể như trong bảng thanh toán nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2019 danh sách có ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã, ông Hà Văn Ngoan – Phó chủ tịch UBND xã; ông Lò văn Khăm, ông Phạm văn Thắng, phó bí thư thường trực, Chủ tịch hội nông dân, Hà văn Đại, Lương Văn Kiên... tất cả đều giữ những chức vụ quan trọng tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Lê Thanh Hữu, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân cho biết: “Lâu nay việc chi trả tiền bảo vệ rừng do Ban xuống phối hợp với xã chi trả trực tiếp cho dân.
Tuy nhiên, có những hộ ở xa vì điều kiện không đến kịp thì Ban giao lại cho xã trả cho họ sau. Việc người có tên trong danh sách bảo vệ rừng mà nhận không đủ Ban không nắm được. Tới đây, chúng tôi sẽ cho kiểm tra”.
Khi được hỏi việc toàn cán bộ đứng trong danh sách nhận bảo vệ rừng liệu có hợp lý thì ông Hữu phân trần: “Chính sách dành cho người dân tộc thiểu số, người nghèo, không nằm trong 2 đối tượng thì không được. Đây cán bộ cũng là người dân tộc, danh sách không có dân chỉ có cán bộ là do dân thì ở xa, để lựa chọn cũng rất khó nên chúng tôi bàn với xã phối hợp".
"Họ là những đối tượng được chọn phải có đủ năng lực, hỗ trợ tốt được công tác bảo vệ rừng, đáp ứng được quy định của Nhà nước” - ông Hữu trao đổi thêm.
Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân cũng khẳng định không có chuyện ký trước một thời gian mới trả tiền, tất cả đều được thanh toán phối hợp với Ban và chính quyền địa phương sở tại.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Kiều Phiên
Nguồn tin: enternews.vn