Trong tỉnh

Thường Xuân, Thanh Hóa: Hàng trăm hộ dân bị cô lập với thế giới bên ngoài

Cùng với hoàn lưu của cơn bão số 2 là những cơm mưa chiều sầm sập trút xuống, đã cuốn trôi “con tràn” duy nhất nằm trên con đường độc đạo dẫn vào bản Mỵ và bản Khong (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân) khiến 383 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu rơi vào tình cảnh cô lập hoàn toàn. Mọi cố gắng của người dân và chính quyền nhằm khắc phục tình trạng sạt lở chỉ là giải pháp tình thế. Hàng ngày người dân vẫn phải đối mặt với những nguy hiểm khi đi qua con tràn được khắc phục bằng đất tạm thời.

Nước lũ cuốn trôi tràn khiến gần 1.000 nhân khẩu tại hai bản Mỵ và Khong bị cô lập hoàn toàn (ảnh to). Trước khi lũ về, người dân đóng tạm chiếc mảng bằng nứa để qua lại con tràn đã bị trôi mất phân nửa (ảnh bé). Ảnh: N.Hưng

Lời khẩn cầu của hàng nghìn hộ dân

Hơn 1 tháng nay, trên địa bàn xã Yên Nhân liên tục xảy ra mưa lớn. Do địa hình dốc, nước đổ từ hai con suối Hón Chao và Hón Tá dồn về con tràn đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, 2 phần tràn bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn khiến đời sống của gần 1.000 nhân khẩu sinh sống tại hai bản Mỵ và Khong bị đảo lộn. Hầu hết học sinh trong bản đều phải nghỉ học, nhiều gia đình đã phải sang hàng xóm vay tạm gạo, muối để cầm cự, chờ nước rút. Mọi liên lạc với thế giới bên ngoài của 383 hộ dân tại đây đều chỉ trông chờ vào điện thoại di động.

Chúng tôi có mặt tại điểm sạt lở nghiêm trọng đang khiến gần 1.000 nhân khẩu tại hai bản Mỵ và Khong bị nước lũ cô lập trong suốt gần 1 tháng qua. Trên con đường độc đạo dẫn vào hai bản, con tràn lớn được xây dựng bằng bê tông đã bị nước lũ cuốn phăng mất một bên mái, bên còn lại cũng sắp bị nước lũ cuốn trôi vì chân đập đã mất. Để kết nối giao thương với bên ngoài, người dân góp luồng làm cầu tạm. Do đi lại rất nguy hiểm nên gần đây, người dân và xã góp sức, bỏ tiền mua đất, đá đắp tạm để đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết, chỉ cần một trận lũ sẽ cuốn phăng đi hết vì mỗi khi lũ về nước rất lớn, chảy siết nên cầu tạm phải được đổ bê tông, cốt thép mới lâu dài được.

Nhà bên cạnh tràn, anh Lò Văn Giao nhớ lại cảnh tượng nước lũ khinh khủng đổ về cuốn phăng một bên tràn: “Ngày 17/7, do hoàn lưu của cơn bão số 2, mưa như trút nước, địa hình lại dốc nên lưu lượng nước đổ về từ hai con suối Hón Chao và Hón Tá rất lớn. Lúc đó tôi đang ngồi trong nhà hướng mắt ra phía con tràn, nước cùng đất đá sầm sập đổ xuống khiến bên tràn bị cuốn phăng trong tích tắc. Con tràn này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, người dân liên tục phải dùng đất đắp những chỗ bị sói mòn do mưa lũ. Đi vào hai bản Mỵ và Khong chỉ có con đường duy nhất, kết nối giao thương của bản đều qua con tràn này. Từ khi bị lũ cuốn trôi, phải mất gần 1 tuần chúng tôi không qua bên kia được. Các nhu yếu phẩm dùng hàng ngày rất khó khăn”.

Ước mơ có một con tràn kiên cố

Ông Lò Tinh Thần - Trưởng bản Mỵ cho biết: “Do nhu cầu dân sinh, từ năm 2002, nhà nước đã đầu tư cho xã làm con tràn nói trên để thuận tiện cho việc đi lại của bà con. Đến năm 2007, sau trận lũ lịch sử, con tràn bị vỡ một lần nhưng không quá nghiêm trọng, xã đã huy động bà con cùng nhau góp vốn tu sửa lại lấy đường đi. Giờ con tràn bị vỡ, nếu không được tu sửa và xây dựng kịp thời, đời sống của bà con tại hai bản sẽ gặp rất nhiều những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu cứ liều mình vượt tràn trong mùa mưa lũ. Hiện chúng tôi cũng chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước để làm tràn mới, chứ với thực tế hư hỏng hiện tại, việc kêu gọi nhân dân đóng góp để làm tràn mới là điều không thể vì dân không đủ sức”.

Ông Vi Hồng Tăng - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: “Trước tình trạng khó khăn của người dân, chính quyền xã cũng đã nhiều lần cố gắng họp bàn, tính phương án khắc phục sự cố trước mắt để giúp người dân. Tuy nhiên, mọi phương án đưa ra đều rơi vào tình trạng bất khả thi do không có đủ kinh phí. Theo như tính toán, để làm một con tràn lớn kiên cố, đủ sức chống chọi với mưa lũ, mức đầu tư phải đến ngót nghét vài tỉ đồng. Còn nếu chỉ làm tràn nhỏ để đối phó với tình cảnh hiện tại, chi phí sẽ giảm đi được rất nhiều, nhưng điều này cũng chẳng khác nào “đút mía cho tượng”, tràn nhỏ sẽ rơi vào thảm cảnh tương tự. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị lên cấp trên để tìm phương án khắc phục. Tuy nhiên, với kinh phí như đã tính toán, ngay cả UBND huyện cũng không có nguồn để chi cho việc này. Rất khó!”.

Được biết, do nhu cầu cấp thiết của bà con tại hai bản Mỵ và Khong, ngay trong những ngày đầu tháng 8/2017, UBND xã Yên Nhân đã làm tờ trình gửi UBND huyện Thường Xuân xin phương án khắc phục. Nhưng với những khó khăn như đã nêu ở trên, biện pháp khả thi nhất hiện nay với người dân xã Yên Nhân không gì khác ngoài chờ vào sự quan tâm, giải quyết kịp thời từ phía tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lương Chung Hiền (ở bản Mỵ) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên tại đây. Trước kia chúng tôi phải lội suối để qua, từ khi được nhà nước quan tâm làm con tràn này, đi lại của người dân, nhất là các cháu và người già thuận tiện hơn rất nhiều, không còn cảnh lo bị nước cuốn trôi nữa. Giờ tràn đã mất, người dân lại sắp sữa phải quay lại cảnh lội suối sang bên kia, vì đắp bằng đất chỉ cần một trận mưa rừng lớn nó cũng sẽ lại bị cuốn trôi ngay. Chúng tôi mong mỏi sớm làm lại tràn để bà con đi lại trong mùa mưa bão”.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: cách li , Thường Xuân , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok