Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có văn bản yêu cầu 63 địa phương khảo sát tình hình nợ lương và thưởng tết Nguyên đán Canh Tý 2020, báo cáo trước ngày 20/12.
Theo đó, các địa phương khẩn trương yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế trả lương, tiền thưởng theo thoả thuận và xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 theo Điều 103 Bộ luật Lao động 2012.
Nhiều doanh nghiệp duy trì mức thưởng Tết 1 tháng lương. Ảnh minh họa |
Khảo sát tập trung chủ yếu ở 4 nhóm doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp dân doanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thưởng Tết năm 2020 sẽ chỉ có sự biến động nhỏ bởi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn đang khó khăn. Mức thưởng trung bình sẽ vẫn chỉ duy trì ở mức thưởng là 1 tháng lương cho người lao động hay còn gọi là tháng lương thứ 13.
Đáng chú ý, mức thưởng cao nhất và thấp nhất giữa các khu vực doanh nghiệp, địa phương sẽ có sự chênh lệch rất lớn. Số lượng doanh nghiệp thưởng Tết 300.000 – 500.000 đồng/người như năm ngoái chắc chắn sẽ có, vì một số doanh nghiệp quá khó khăn trong hoạt động kinh doanh, chi phí đầu vào tăng.
Được biết, năm ngoái, mức thưởng tết cao nhất trên địa bàn TP.HCM thuộc về một đơn vị trong ngành tài chính ngân hàng. Cụ thể, một cá nhân làm việc tại đây nhận được mức thưởng là 1,17 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, mức thưởng tết Nguyên đán 2019 cao nhất là 396,1 triệu đồng và thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đà Nẵng có mức thưởng tết cao nhất “nhỉnh” hơn Hà Nội, ở mức 411,3 triệu đồng.
Gây bất ngờ nhất là tỉnh Đồng Nai, với mức thưởng tết 2019 cao nhất là 545 triệu đồng. Đây là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành.
Tác giả: Vũ Đậu
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật