Kinh tế

Thương hiệu 'vang bóng một thời' chật vật trên sàn chứng khoán

Không có thanh khoản, không được nhà đầu tư chú ý là thực trạng của nhiều doanh nghiệp truyền thống trên thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay chứng kiến sự xuất hiện và trở lại của không ít thương hiệu truyền thống như: Miliket, Kem Thủy Tạ hay Giày Thượng Đình...

Tuy nhiên, câu chuyện lên sàn chứng khoán với kỳ vọng tìm lại "ánh hào quang" có phần thiếu thực tế khi hầu hết những cổ phiếu này vẫn không tìm được sự quan tâm từ phía nhà đầu tư. Tình trạng mất thanh khoản, thị giá đi ngang là điều dễ thấy với hầu hết những cổ phiếu của các thương hiệu truyền thống.

Đồ thị cổ phiếu TTJ của Công ty cổ phần Thủy Tạ trong trạng thái đi ngang và mất thanh khoản. Nguồn: VNDirect

Đăng ký giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 6/2017, dù thị giá đã tăng hơn gấp đôi nhưng cổ phiếu TTJ của Công ty cổ phần Thủy Tạ vẫn không thu hút được sự quan tâm từ nhà đầu tư.

Trong hơn 3 tháng lên sàn chứng khoán, cổ phiếu của thương hiệu kem ra đời năm 1945 chỉ khớp lệnh chưa nổi 10.000 đơn vị, hơn 30 phiên giao dịch gần nhất không có thanh khoản.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với cổ phiếu CMN của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket. Lên sàn UPCoM từ đầu tháng 7/2017, cổ phiếu của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mì Miliket dù tăng hơn 50% nhưng thanh khoản chỉ từ vài trăm cho tới vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.

Tuy nhiên, thực trạng này của Kem Thủy Tạ hay Miliket vẫn còn khá hơn nhiều so với những doanh nghiệp khác. Diêm Thống Nhất lên sàn chứng khoán từ giữa năm 2014 với giá tham chiếu ban đầu là 12.000 đồng mỗi cổ phiếu. Sau hơn 3 năm, cổ phiếu của doanh nghiệp này đến nay chỉ còn 5.400 đồng với tình trạng mất thanh khoản kéo dài, cách vài tháng mới có một giao dịch.

Cổ phiếu GTD của Công ty cổ phần Giày Thượng Đình lên sàn UPCoM với giá 44.000 đồng từ cuối năm 2016. Nhưng chỉ sau hơn 10 tháng giao dịch, cổ phiếu này chỉ còn 12.100 đồng - mất hơn 70% giá trị.

Điều đặc biệt là quá trình lao đốc của cổ phiếu GTD được diễn ra chỉ bằng 3 phiên giao dịch với mỗi phiên khớp lệnh tại mức giá giảm hơn 30% so với tham chiếu, quãng thời gian còn lại cổ phiếu này gần như không có thanh khoản.

Theo một số chuyên gia, thực trạng này của các doanh nghiệp truyền thống không phải không có căn cứ.

Nhà đầu tư trên thị trường trước khi quyết định đầu tư thường xác định 2 yếu tố là tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu và nguồn "hàng". Tiềm năng tăng trưởng, hay kỳ vọng sinh lời của cổ phiếu được thể hiện qua kết quả kinh doanh hiện tại và triển vọng trong tương lai của doanh nghiệp. Trong khi nguồn hàng, hay thanh khoản của cổ phiếu là điều kiện cần để đảm bảo việc đầu tư và hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, cả hai điều kiện này với các thương hiệu truyền thống đều khó có thể đáp ứng.

Sau giai đoạn hoàng kim trước đây, các doanh nghiệp truyền thống hiện gặp nhiều khó khăn khi vấp phải sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ thị trường.

Doanh thu của Kem Thủy Tạ trong 5 năm gần đây chỉ loanh quanh ngưỡng 50 tỷ đồng mỗi năm với biên lợi nhuận gộp khoảng 20 tỷ đồng. Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng doanh thu mảng kem của Kido Foods khoảng 77% từ năm 2013 đến nay và doanh thu năm 2016 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, kết quả của Kem Thủy Tạ gần như chỉ "giậm chân tại chỗ".

Với Miliket, sau hơn 40 năm xuất hiện trên thị trường, tình hình hoạt động của doanh nghiệp này những năm gần đây trên đà sa sút, không được cải thiện khi sản phẩm kém hấp dẫn, dẫn đến lượng hàng tồn kho và nợ phải trả tăng vọt. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 cho thấy kết quả kinh doanh của công ty giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ghi nhận lần lượt 461 tỷ đồng doanh thu và 25 tỷ đồng lợi nhuận.

Với chiến lược tập trung vào phân khúc bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Miliket đã đầu tư dây chuyền sản xuất và tung ra nhiều sản phẩm mới nhằm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, hình ảnh quen thuộc không giúp Miliket giữ được thị trường, đặc biệt khi Acecook, Masan và một số thương hiệu mới nổi đua nhau tranh phần.

Với Giày Thượng Đình và Diêm Thống Nhất, tình cảnh cũng không khác nhiều khi cả hai doanh nghiệp này đang vật lộn trong khó khăn.

Là thương hiệu có hơn 55 năm lịch sử, với sản phẩm nổi tiếng là giày vải, song hoạt động kinh doanh cũng như tình hình tài chính của Giày Thượng Đình đang gặp không ít thách thức. Nợ khó đòi, hoạt động kinh doanh giảm sút do cạnh tranh là những hiện trạng của Giày Thượng Đình trong những năm gần đây.

Nhiều nhà đầu tư cũng nhận định rằng, trừ khi những doanh nghiệp này có bước phát triển đột phá, hoặc trở thành đích đến của một thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A), nếu không việc đầu tư vẫn là điều bất khả thi.

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp truyền thống trước khi tham gia thị trường chứng khoán đều giữ quy mô vốn rất khiêm tốn với cơ cấu cổ đông "cô đặc", chủ yếu là cán bộ công nhân viên. Những cổ đông này thường không có xu hướng giao dịch cổ phiếu thường xuyên mà chỉ nắm giữ hưởng cổ tức.

Tình trạng không có nguồn cung dẫn tới thực trạng dù diễn biến cổ phiếu có tăng mạnh hay giảm mạnh cũng không được chú ý. Bởi mục đích các cổ đông nắm giữ cổ phiếu không vì hưởng lợi từ chênh lệch giá.

Bản thân những doanh nghiệp này khi lên thị trường chứng khoán thực tế cũng vì "bắt buộc" khi Ủy ban Chứng khoán nâng quy định xử phạt với những doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không lên sàn, thay vì mục đích thực sự của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn.

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok