Mới giảm thuế 10% đã vậy, xóa thuế sẽ ra sao?
Thực tế, từ giữa năm 2016, các báo cáo về tình hình xe nhập của Thái Lan, Indonesia của cơ quan hải quan đã cho thấy lượng lớn xe nhập từ hai nước này đang có kế hoạch đổ bộ một lượng xe lớn về Việt Nam.
Đến đầu năm 2017, khi chính sách thuế nhập được giảm thêm 10% (từ mức 40% xuống 30% đối với xe nhập từ các nước ASEAN theo điều khoản của Hiệp đinh Tự do thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA)), cú huých này bồi thêm động lực cho các hãng xe từ Thái Lan tăng lượng nhập về Việt Nam.
Xe Thái, Indonesia chiếm gần 60% lượng xe nhập ở Việt Nam bất chấp xe nhiều nước khác giảm mạnh. |
Điều đáng nói, việc tăng lượng nhập xe Thái, xe từ Indonesia dù được cảnh báo từ nhiều năm trước, song rất nhiều liên doanh trong nước không thể chống đỡ, hoặc không đưa ra phương án cạnh tranh trước các đối thủ từ Thái, Indonesia.
Bằng chứng là Toyota, Honda - hai liên doanh ô tô lớn nhất nhì thị trường Việt Nam đã thay đổi từ chính sách sản xuất, lắp ráp một số mẫu xe như Fortuner (Toyota), City, Civic (Honda) vốn trước đây lắp ráp trong nước nay chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia. Điều này khiến số thuế nộp ngân sách của các tỉnh mà liên doanh đứng chân đã giảm rất mạnh.
Quay trở lại với thị trường xe nhập của hai nước nói trên, 10 tháng đầu năm 2017 khi các đại gia sản xuất xe hơi thế giới giảm lượng nhập về Việt Nam, các thương hiệu xe từ Thái Lan, Indonesia ngày càng khẳng định được vị thế của mình tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, xe Indonesia nhập khẩu 10 tháng qua đạt trên 16.000 chiếc, tăng gần 13.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2016, lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất (gần 400%) trong các thị trường xe nhập vào Việt Nam.
Ở một thị trường khác là Thái Lan, dù mức tăng không cao song đây đang là thị trường cung cấp lượng xe nhập lớn nhất cho Việt Nam, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm, Thái Lan đã cung ứng cho Việt Nam 28.900 xe, tăng hơn 2.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, với số liệu nêu trên hiện Thái Lan và Indonesia đang thay nhau "thao túng" thị trường xe nhập ở Việt Nam khi chiếm gần 60% tổng lượng xe nhập, đánh bật các đối thủ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức hay Mỹ nhờ lợi thế về ưu đãi thuế khi thuế nhập khẩu được giảm từ 40% xuống còn 30% trong năm 2017. Điều này khiến chúng ta càng lo ngại hơn khi nước Úc với ngành công nghiệp ô tô có tuổi đời hơn 114 năm vừa bị xóa sổ cũng bởi lượng xe nhập từ Thái Lan và Trung Quốc tràn ngập, bóp chết ngành công nghiệp xe hơi nước này.
Xe nhập Đức, Nhật, Hàn và Ấn Độ mất dần vị thế
Hiện, trong nhóm 9 nước xuất khẩu xe hơi lớn nhất vào Việt Nam thời gian qua, 10 tháng đầu năm ghi nhận 4 thị trường có lượng xe nhập nguyên chiếc giảm mạnh nhất, trong đó Hàn Quốc giảm hơn 8.700 chiếc, Ấn Độ giảm gần 8.000 chiếc, Nhật Bản giảm hơn 3.700 chiếc và Đức giảm hơn 1.400 chiếc.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2017, xe Ấn Độ nhập về Việt Nam đạt gần 5.500 chiếc, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là hơn 13.400 chiếc, lượng giảm gần 60%. Xe nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc cũng vậy, 10 tháng qua chỉ có hơn 6.800 chiếc được nhập về, trong khi đó, lượng nhập cùng kỳ năm 2016 là hơn 15.500 chiếc, giảm 56%.
Lượng xe nhập từ Nhật Bản 10 tháng qua là hơn 2.700 chiếc, chưa bằng 1 nửa lượng nhập cùng kỳ năm 2016 là 6.400 chiếc, lượn giảm gần 60%.
Thực tế, việc giảm lượng nhập khẩu các loại xe từ các nước nói trên dù không ảnh hưởng nhiều đến thị trường xe hơi Việt Nam do được bù đắp lượng lớn xe Thái, Indonesia. Tuy nhiên, với những người có đam mê xe đặc biệt là sở thích mua và đi xe nhập, việc xe nhập nguyên chiếc giảm nhập về Việt Nam cũng khiến lựa chọn của họ bị thu hẹp vì nhiều người vẫn cho xe nhập có chất lượng tốt hơn xe trong nước.
Bên cạnh đó, việc giảm lượng xe nhập về Việt Nam cũng khiến các dòng xe nhập có thể có giá bán trung bình tăng lên, đơn cử là trường hợp xe từ Ấn Độ, nếu tháng 9/2017 giá xe trung bình của thị trường này chỉ 480 triệu đồng/chiếc, thì sang tháng 10, giá xe từ thị trường này nhập về Việt Nam lên đến gần 1,3 tỷ đồng/chiếc. Việc tăng giá này chủ yếu do thay đổi dòng xe nhập, các dòng xe giá rẻ trong đó có Hyundai không còn được nhập nhiều về Việt Nam nữa thay vào đó là các loại xe liên doanh của Ấn Độ với Pháp, Đức.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí