Kinh tế

Thực phẩm sạch: Khi “đại gia” bắt tay với nông dân

Giới chuyên gia từng nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuỗi liên kết 4 nhà trong chuỗi sản xuất - cung ứng nông sản sạch; trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.

Nông sản sạch “chết yểu” vì thiếu đầu ra

Phát biểu tại hội thảo nông nghiệp an toàn diễn ra mới đây, TS Vũ Tuấn Anh - Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chỉ ra rằng, tiến trình mở rộng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (nông sản “sạch”) ở Việt Nam còn gặp phải vướng mắc về vốn bởi sản xuất nông sản sạch đòi hỏi suất đầu tư tương đối lớn.

Theo ông Tuấn Anh, đại bộ phận nông sản là do các hộ tiểu nông sản xuất theo cách thức truyền thống do có vốn liếng ít ỏi, không có điều kiện tích tụ vốn hoặc vay vốn lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại. Tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của cả hai bên liên kết - doanh nghiệp và các hộ nông dân - dẫn đến việc tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm “sạch”, làm cho các hộ tiểu nông quay trở lại với phương thức sản xuất nhỏ.

Trong khi đó, nông sản trồng theo GAP ở một số địa phương do không có đầu mối đảm bảo đưa đến tận tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi các thương lái, thì lại hòa lẫn với các nông sản trồng theo phương thức thông thường. Vì vậy, không chỉ phải bán với giá “đổ đồng” mà còn khiến người tiêu dùng hoang mang không dám tin vào nông sản sạch.
VinEco sẽ trực tiếp đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; Hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; Kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch


Trở ngại “đầu ra tiêu thụ” đã làm tiêu tan sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản sạch.

Thực trạng trên cũng đặt ra vấn đề về tầm quan trọng của chuỗi liên kết 4 nhà trong chuỗi sản xuất – cung ứng nông sản sạch, trong đó đặc biệt lưu ý vai trò doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.

“Cái bắt tay” giữa DN và nhà nông

Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp lớn nhận thức được điều này và bước đầu khởi động chương trình đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt. Mới đây nhất có thể kể tới Tập đoàn Vingroup đã kí liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn; đồng thời, góp phần xây dựng tư duy sản xuất hiện đại, bài bản và hiệu quả cho người nông dân.

Thông qua Công ty Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco (“VinEco”), Vingroup sẽ trực tiếp đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; Hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; Kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; Thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Việc kiểm soát được thực hiện khép kín từ đồng ruộng đến hệ thống siêu thị Vinmart (cũng thuộc hệ sinh thái Vingroup) sẽ giúp cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, giảm tỉ lệ hỏng, thối, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.


Cái “bắt tay liên kết giữa Vingroup với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân sẽ nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho xã hội

Chia sẻ về chương trình này, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của chương trình là cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng; thứ hai là hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp; tiến tới từng bước xây dựng được các thương hiệu nông sản Việt có tầm Quốc tế”.

Một vị chuyên gia từng phát biểu, cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm sạch nếu muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn và loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi xã hội. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh tới liên kết chuỗi, tại đó, người nông dân chỉ biết sản xuất cần được sự hậu thuẫn và hỗ trợ lớn từ một hệ thống phân phối hiệu quả.

Dưới góc nhìn khác, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản thì cho rằng, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang cố gắng đầu tư mở rộng chuỗi phân phối, các cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh tới việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và việc thông tin để doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng có tiếng nói, người tiêu dùng biết họ ở đâu mà tới tìm.


Người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin nông sản trong chương trình bằng smartphone khi có nhu cầu kiểm chứng.

Chương trình đồng hành của Vingroup với các hộ nông dân và hợp tác xã đã chính thức khởi động từ 1/9/2016, với tổng ngân sách khoảng 300 tỷ đồng cho năm đầu tiên. Trong đó, sẽ có 50 tỷ đồng xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, bao gồm chi phí đầu tư hệ thống trang thiết bị, công cụ kiểm soát và đội ngũ kiểm soát chất lượng quy mô 300 người. Ngoài kinh phí khủng, VinEco sẽ đứng ra hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất trên toàn thị trường. Trong đó, một phần sản lượng sẽ được tiêu thụ trong các hệ thống bán lẻ của Vingroup dưới thương hiệu của VinEco hoặc thương hiệu riêng của đối tác.

Bên cạnh đó, VinEco cũng sẽ đầu tư trang thiết bị để ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, đảm bảo minh bạch hóa thông tin về địa điểm sản xuất, thời điểm thu hoạch. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin nông sản trong chương trình bằng smartphone khi có nhu cầu kiểm chứng.

Với quy mô lớn, cách làm thiết thực, minh bạch, hiện chương trình đang thu hút sự quan tâm của hàng ngàn hộ nông dân trên cả nước. Trong bối cảnh toàn xã hội mất niềm tin vào thực phẩm sạch, người nông dân hoang mang, mô hình liên kết hộ của Vingroup là một điểm sáng cần nhân rộng. Hy vọng, sau cái bắt tay giữa Vingroup và 1.000 hộ nông dân sẽ có thêm hàng ngàn, hàng triệu cái bắt tay khác giữa các “đại gia” mạnh về gạo, bạo về tiền với những người nông dân đang rất cần sự thay đổi.

Tác giả bài viết: PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok