|
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch đầu tư Thanh Hóa, trong năm 2024, địa phương này đặt mục tiêu thu hút tổng vốn đầu tư phát triển đạt mức 135.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức thực hiện hơn 132.000 tỷ trong năm 2023.
Phối cảnh một dự án bất động sản của Vin Group tại Tp.Thanh Hóa. |
Theo Báo cáo Tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 21/11/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động số 26-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng giai đoạn 2021 – 2025, trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 132.745 tỷ đồng, bằng 94,8% kế hoạch. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch tuy nhiên tại địa phương này cũng ghi nhận những nỗ lực trong huy động vốn đầu tư với nhiều dự án quan trọng.
Cụ thể, địa phương đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án hạ tầng lớn thuộc các lĩnh vực giao thông, cấp điện, công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn hồ đập và hệ thống đê điều... góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tại Thanh Hóa đã được phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án là 14.924,312 tỷ đồng.
Đối với công tác đầu tư, đã thu hút được một số dự án quy mô lớn như: nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng); khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh và xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (1.142 tỷ đồng); nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn (1.098,5 tỷ đồng); nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn (868,6 tỷ đồng); nhà máy dệt may tại cụm công nghiệp Thái - Thắng, huyện Hoằng Hóa (45,8 triệu USD); nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (42 triệu USD).
Một góc khu kinh tế Nghi Sơn, là một trong những đầu tàu thu hút vốn đầu tư tại Thanh Hóa. |
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và đầu tư Thanh Hóa, để thực hiện các mục tiêu về thu hút, huy động vốn phát triển, trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các giải pháp như cố gắng cải thiện các chỉ số liên quan đầu tư như PAPI, PCI, INDEX, SIPAS... Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đi thăm, làm việc và tổ chức các hoạt động giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.... Trong đó, chú trọng tiếp cận với các tổ chức quốc tế, tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nhằm tăng cường kết nối, xúc tiến đầu tư, giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công. Theo đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được ưu tiên đầu tư cho các dự án lớn, các dự án hạ tầng quan trọng, có tính kết nối, liên kết vùng cao và là vốn mồi để thu hút các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; kịp thời xử lý các vấn đề cấp bách của tỉnh.
Tác giả: Nguyễn Hữu Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn