Sáng 28-11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP dẫn đầu tổ công tác của Thủ tướng làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa sáng nay (28-11). Ảnh: Đ. TRUNG |
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo tình triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh. Trong đó, các nội dung chính là công tác cổ phần hóa, thoái vốn; vấn đề cải cách thủ tục hành chính; triển khai cơ chế 1 cửa, một cửa liên thông; vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn cho biết tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 304 nhiệm vụ, trong đó có 182 nhiệm vụ không thời hạn, 122 nhiệm vụ có thời hạn xử lý. Đến nay Thanh Hóa đã hoàn thành 197 nhiệm vụ, còn 107 nhiệm vụ đang xử lý theo quy định (trong đó có 45 nhiệm vụ không xác định thời hạn, 51 nhiệm vụ yêu cầu hoàn thành trong tháng 12).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ký kiến của Thủ tướng đánh giá rất cao tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, thời gian qua tỉnh đã tập trung giải quyết những vướng mắc các dự án lớn, có những dự án đã hoàn thành, đặc biệt là Dự án hóa lọc dầu Nghi Sơn.
Thủ tướng ghi nhận những thành tựu, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa năm 2018 có tốc độ tăng trưởng rất tốt, đạt khoảng 16,1% mà không phải tỉnh nào cũng làm được.
Để có được kết quả này là do Thanh Hóa đã đẩy mạnh thu hút đầu tư những dự án lớn vào địa phương. Cùng với đó là đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, có chuyển biến trong môi trường đầu tư và thu hút đầu tư. Đồng thời, tổ chức chỉ đạo thu hồi đóng cửa mỏ cũng như hàng loạt các dự án kém hiệu quả.
Tại buổi làm việc Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa khắc phục tình trạng 'quan lộ thần tốc'. Ảnh: Đ. TRUNG |
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng cho hay có nhiều nội dung hạn chế của tỉnh Thanh Hóa cần phải khắc phục. Thứ nhất, cần quan tâm, củng cố chất lượng công chức, thường xuyên giám sát, siết chặt kỷ cương trong quản lý cán bộ, khắc phục tình trạng quan lộ thần tốc gây bức xúc trong dư luận.
Thứ hai, cải cách hành chính còn thấp và tỉnh cần chú trọng hơn nữa tới công tác này, tránh việc đùn đẩy né tránh. Thứ ba, chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thành liên thông thủ tục hành chính công, thực hiện tốt quyết định 1380 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, quan tâm thu hút đầu tư kinh doanh mạnh hơn, nâng cao môi trường cạnh tranh và phải xác định Thanh Hóa là môi trường lớn của doanh nghiệp vào đầu tư. Thứ năm, tiếp tục quan tâm đến quản lý đất đai, trật tự đô thị, xây dựng.
"Chỉ đạo quyết liệt trong quản lý rừng, tài nguyên khoáng sản và vấn đề thoái vốn của Thanh Hóa" là một nội dung quan trọng tiếp theo Thủ tướng muốn Thanh hóa thực hiện.
Tác giả: ĐẶNG TRUNG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM