Trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo 3 vấn đề trọng tâm

Sáng 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành Trung ương; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị



Năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội đất nước hồi phục và có bước phát triển mạnh ở các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đạt kết quả chủ yếu sau:

Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Các nội dung phối hợp được triển khai khá toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động, phát triển kinh tế-xã hội, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xây dựng Công đoàn Việt Nam và Chính phủ trong sạch, vững mạnh.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu thực tiễn.

Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp Tổng Liên đoàn trong xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan người lao động; cải thiện điều kiện làm việc và phòng ngừa tai nạn lao động; đề xuất, kiến nghị và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí của công nhân, lao động...

Việc phối hợp thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan cơ bản thực hiện kịp thời, hiệu quả, trách nhiệm.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tổ chức giám sát về tình hình thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động tại doanh nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và các chính sách hỗ trợ liên quan khác; từ đó kiến nghị nhiều chính sách quan trọng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật nổi bật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định 38 về Tiền lương tối thiểu vùng, Công điện số 1170 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; tạo mọi điều kiện để người lao động phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân.

Triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, tập trung vào kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, công nhân, lao động, góp phần vào việc thực hiện đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành đã tích cực tham dự các hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Vào dịp Tết Nguyên đán, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham gia hoạt động chăm lo Tết đối với người lao động, đi thăm, chúc Tết, tặng quà tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tham dự hoạt động Tết sum vầy, trao Mái ấm công đoàn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động; dự các chuyến thăm, động viên đoàn viên công đoàn, người lao động tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy, khu công nghiệp nhân dịp Tháng Công nhân…

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm nay, hội nghị này được tổ chức sớm, ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán và chúng ta đã lo cho nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động hưởng một Tết sum vầy, gắn kết, an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đại biểu dự họp lời thăm hỏi thân thiết và lời chào mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là người đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động.

Chúng ta đã thực hiện theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết chuyên đề liên quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động để cho hoạt động của Công đoàn ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Năm 2022, chúng ta đã làm được khá nhiều việc: Chính phủ đã đề ra nhiều chương trình hành động để thực hiện các nhiệm vụ công tác; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp cũng tích cực thực hiện các nhiệm vụ đề ra theo Quy chế phối hợp.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung là cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, do đó chúng ta phải cân đối, hài hòa, chọn trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, “cân đong đo đếm” được.

Thủ tướng đề nghị cần đánh giá năm 2022 khách quan, trung thực, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 thiết thực, hiệu quả.

Thủ tướng đề xuất một số vấn đề trọng tâm cần thảo luận.

Theo đó, vấn đề đầu tiên đối với công nhân là tạo việc làm, nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế; vấn đề thứ hai là có “an cư mới lạc nghiệp”, chỗ ở cho công nhân là một vấn đề lớn, phải ưu tiên thực hiện bằng các công cụ hiện có; vấn đề thứ ba là quan tâm đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, trong đó có các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục.

Đây là những vấn đề cần bàn vì trong tầm tay chúng ta, phải bàn và làm bằng được, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng đề nghị đại biểu thảo luận theo tinh thần trên, đưa ra những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp thiết thực, cụ thể, đáp ứng mong mỏi của các cấp công đoàn, công nhân, người lao động, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hiệu quả nhất.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok