Đó là chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ tuyên dương học sinh THPT đạt giải trong các kì thi Olympic quốc tế năm 2020 vào tối qua (8/1).
Thủ tướng nhấn mạnh, trong những năm qua, chất lượng giáo dục các cấp đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, Thụy Điển... Học sinh tiểu học của Việt Nam thường đứng tốp đầu các nước ASEAN ở năng lực đọc, hiểu, viết và toán.
Trong các đợt đánh giá PISA của Tổ chức OECD, Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả vượt trội số trung bình của các nước trong khối.
Đến nay, Việt Nam có 4 trường đại học nằm trong tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong tốp các trường đại học hàng đầu châu Á; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ tuyên dương các học sinh đạt giải Olympic quốc tế năm 2020. |
“Trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã đạt 54 Huy chương Vàng, gấp đôi số Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015”, Thủ tướng nói và cho rằng kết quả xuất sắc này của đoàn Việt Nam trong các kỳ thi Olympic quốc tế trước hết là sự nỗ lực của chính các học sinh dưới sự chỉ dẫn của các thầy cô giáo. Cùng đó là sự quan tâm, chăm lo và động viên, khích lệ kịp thời của các bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể trong suốt quá trình học tập của các em.
“Đây cũng là kết quả từ sự đổi mới của ngành giáo dục trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Những thành tích này đã góp phần làm rạng danh cho đất nước và dân tộc. Nó cũng minh chứng thêm rằng người Việt Nam ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự phát triển và trường tồn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho hay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn, khi hướng đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo Thủ tướng, đất nước đang đứng trước nhiều vận hội lớn để hiện thực hóa khát vọng dân tộc. Nhưng để hiện thực hóa được sứ mệnh lớn lao, ngành giáo dục và đào tạo phải có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục tập trung khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể nhân dân quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Tạo điều kiện tốt, đầy đủ hơn nữa cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con cháu.
Cùng đó, quan tâm đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn cho phù hợp, hiệu quả để ngày càng đào tạo được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng như phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho tương lai của đất nước.
Thủ tướng cho hay, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách để khuyến khích, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, tạo mọi điều kiện để các học sinh phát huy hết trình độ, khả năng sáng tạo nhằm cống hiến phụng sự Tổ quốc.
“Tôi tin tưởng rằng cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục đưa nền giáo dục Việt Nam tiến lên tầm cao mới, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc”.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet