Số hóa

Thử thách 48 giờ không Internet của một người dùng Trung Quốc

Li Tao, một phóng viên công nghệ tại Thâm Quyến đã chia sẻ về quyết định không sử dụng mạng Internet trong hai ngày đầy khó khăn của cô.

Báo thức trên smartphone của tôi đã được thiết lập vào lúc 8 giờ sáng thứ Bảy, một việc làm hiếm hoi bởi tôi đã ngừng sử dụng điện thoại làm đồng hồ từ khi mua một chiếc loa thông minh hồi giữa năm ngoái. Được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo, loa hiểu yêu cầu bằng lời nói của tôi và báo thức vào buổi sáng bằng âm nhạc.

Tuy nhiên, tôi không được phép sử dụng loa thông minh cuối tuần qua sau khi chấp nhận thử thách sống mà không truy cập internet trong hai ngày ở Thâm Quyến, thành phố được mệnh danh là trung tâm công nghệ của Trung Quốc. Đây là nơi mà hầu như không ai không kết nối thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính ở nhà.

Điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể tách rời với tôi. Tôi có thể quên mang theo rất nhiều thứ, nhưng không thể là smartphone. Nó luôn phải ở trong túi hoặc trên tay tôi. Ngay cả khi đang ngủ, điện thoại cũng nằm trong tầm với tay từ giường, được sạc để sẵn sàng cho ngày tiếp theo.

Tôi đã trở nên quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh của mình và giờ nó bao trùm gần như mọi khía cạnh của cuộc sống, từ trả tiền hóa đơn, gọi xe, đặt bàn trong nhà hàng, đặt vé xem phim hoặc nghe hòa nhạc. Tôi có thể ở nhà cả ngày và yêu cầu mọi thứ cần thiết trực tuyến, rồi sẽ có người đưa chúng đến trước cửa.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào cuối tuần, khi tôi chỉ được sử dụng điện thoại để thực hiện cuộc gọi và gửi tin nhắn văn bản. Điều này giống như tôi đang cầm trên tay chiếc điện thoại đầu tiên của mình, một chiếc Motorola V8088 năm 2001.

Điều đó có nghĩa là không có WeChat hoặc Alipay, không ứng dụng đọc tin tức hoặc chơi trò chơi, nói chung là tất cả các dịch vụ dựa trên Internet. Sẽ rất khó khăn vì những ứng dụng này chiếm hầu hết thời gian trong ngày của tôi, cho dù tôi đang làm việc hay không.

Nhận thức được thách thức sẽ không dễ dàng, tôi đã chuẩn bị một số thứ để có thể sống sót qua 48 giờ không có Internet. Vào tối thứ Sáu, tôi đăng một tin nhắn lên tài khoản WeChat của mình nói rằng không thể trả lời bất kỳ tin nhắn WeChat nào vào cuối tuần này. Tôi cũng gọi cho bố mẹ, nói với họ tôi sẽ chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại chứ không phải qua ứng dụng trò chuyện trên Internet.

Tôi cũng tải hơn 30 tập của một bộ phim truyền hình yêu thích bằng iPad để đảm bảo có cái gì đó để xem nếu tôi không có kế hoạch nào tốt hơn cho bản thân. Cũng trong tuần trước, tôi đã sắp xếp một số cuộc hẹn với bạn bè vào thứ Bảy và Chủ Nhật. Họ hiểu tôi đang tham gia thử thách này và hứa sẽ liên lạc với tôi qua điện thoại.

Và sau khi tất cả đã được chuẩn bị đầy đủ, đây là những gì đã xảy ra với tôi trong 48 giờ không có internet.

Sáng thứ Bảy, việc đầu tiên tôi phải làm là đi rút tiền mặt từ máy ATM. Số tiền trong ví tôi đã không thay đổi vài tuần nay vì tôi hầu như không sử dụng tiền mặt nữa. Các dịch vụ thanh toán di động như WeChat Pay và Alipay được hầu hết các cửa hàng ở Thâm Quyến chấp nhận. Nhiều thanh thiếu niên thậm chí đã ngừng dùng ví của mình.

Để có thể đi loanh quanh, tôi sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm, thanh toán bằng thẻ, một phần vì các ứng dụng gọi xe giờ cũng hoàn toàn nằm trên di động. Tất nhiên tôi có thể đứng bắt taxi ở góc phố nhưng tôi không muốn trả bằng tiền mặt và nhận về tiền lẻ. Tiền xu quá nặng và tôi thậm chí đã không nhìn thấy chúng trong thời gian dài.

Tôi cũng từ bỏ ý tưởng xem phim trong rạp khi nhận ra tôi không thể truy cập vào web để xem lịch trình chiếu phim mà không có Internet. Nếu đi trực tiếp tới phòng vé, có lẽ tôi sẽ phải đợi một lúc rất lâu trước khi bộ phim bắt đầu chiếu. Thêm vào đó, giá vé mua ngay trước khi xem thường cao gấp đôi giá vé đặt qua ứng dụng điện thoại.

Vào chiều thứ Bảy, tôi chơi mạt chược với ba người bạn khác. Đây có thể xem là trò chơi duy nhất khiến cả hai bàn tay của mọi người đều bận tới mức họ không thể rảnh để chạm vào điện thoại thông minh của mỗi người.

Cả tối thứ Bảy và Chủ Nhật, tôi ăn tối với bạn bè của mình. Nhưng tôi cảm thấy buồn chán vì phải ngồi nhìn họ kiểm tra smartphone suốt bữa ăn. Ít ra có một điều tốt là cả hai bữa ăn đều được bạn bè của tôi thanh toán bằng WeChat. Tôi đã đề nghị trả phần của mình, nhưng họ không muốn lấy tiền mặt.

Buổi tối, tôi không còn muốn xem loạt phim truyền hình đã được tải xuống iPad trước đó vì quyết định sẽ trở về nhà muộn bởi sợ cảm giác bản thân không có gì để làm vào ban đêm. Trước đó, vào các buổi tối bình thường, tôi trò chuyện qua video với bạn bè và gia đình, xem các ứng dụng trực tuyến, chơi trò chơi trên điện thoại và xem phát lại một số chương trình truyền hình. Cuối tuần này, tôi đang bị cấm dùng Internet.

Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã thất bại trước thử thách của bản thân. Bởi tôi đã phải vào WeChat một vài lần để liên hệ với bạn bè, những người không có số điện thoại của tôi để sắp xếp các cuộc hẹn. Trong hai hoặc ba năm qua, WeChat về cơ bản đã trở thành công cụ truyền thông chính của nhiều người dân Trung Quốc. Chúng tôi đã ngừng trao đổi card visit hoặc lấy số điện thoại, thay vào đó chỉ cần quét mã QR để thêm bạn bè trên WeChat.

Nếu ứng dụng WeChat của tôi bị lỗi, tôi thậm chí không thể liên hệ được với hầu hết những người tôi đã gặp trong vài năm qua. Đó thật là một ý nghĩ đáng sợ. Nhưng đến thứ Hai, tôi có thể kết nối lại Internet, một điều mà tôi sẽ không bao giờ muốn mất đi nữa.

Tác giả: Mai Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: công nghệ , trung quốc , internet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok