Chinh phục hoang dã
Sáng sớm tinh mơ, từ ngã ba 107 (cách TPHCM 107km theo Quốc lộ 20) đi khoảng 5km qua phà 107 rồi men theo con đường đất đỏ dài 5km, tôi cùng nhóm cần thủ tiếp cận đến thác Thanh Sơn (người dân địa phương hay gọi là thác Thượng thuộc huyện Định Quán - Đồng Nai).
Thác Thượng hiện ra với những bãi đá nhiều hình thù lạ mắt rộng chừng 10ha, hàng chục dòng nước chảy len lỏi qua các ghềnh đá cao, cây bụi tạo thành vô số dòng thác nhỏ trông rất đẹp mắt. Giữa chốn phong cảnh hữu tình, thơ mộng của mây trời, non nước, hình ảnh những cần thủ chăm chú dõi theo những đốm trắng, đốm vàng lập lờ trên mặt nước đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Sau khi hỏi thăm và làm quen, chúng tôi cũng vội buông cần. Trong thời gian vừa ngắm cần, 2 cần thủ địa phương thỉnh thoảng lại giật lên những chú cá lăng đuôi đỏ trông thật kích thích. Trong lúc mọi người đang thích thú tận hưởng không khí hoang dã, miên man với dòng nước, bỗng đầu một cần câu của cần thủ bị chúi mạnh.
Cần thủ địa phương Nguyễn Văn Bảo cầm cần giật mạnh và một cảm giác khựng lại, đầu cần cứ chúi mãi xuống nước, cần thủ Bảo kêu to: “Dính cá lớn rồi”. Khi tiếng kêu vừa dứt, các cần thủ khác reo hò cổ vũ, đầu cần câu lại cong vút, thỉnh thoảng con cá lại bay lên khỏi mặt nước, nhìn con cá dài ngoằng từ từ được đưa lên, ai nấy đều trầm trồ bởi không dễ gì “săn” được con cá to như thế ở khu vực này.
Chiến lợi phẩm khi câu được cá. |
Hết 20 phút từ khi bắt đầu dìu cá, con cá đã bị khuất phục, nó nổi lên mặt nước nằm dài, há cái mồm to tướng. Vì sợ con cá bị xẩy, Bảo cho tay vào miệng nó, giở nó lên khỏi mặt nước, trong chốc lát con cá đã được đưa lên bè.
Ở một góc xa, cần thủ địa phương Nguyễn Văn Hoàn đưa mắt liếc nhìn dòng nước chảy xiết cạnh bìa rừng. Hoàn bảo đây là nơi lý tưởng để anh và các bạn tha hồ thi thố tài năng.
“Nghề câu cá dứa thấy dễ chứ không phải dễ. Mồi câu là trùn cát, lưỡi câu sắc nhọn, tùy dòng nước chảy mạnh, yếu mà người câu mắc chì nặng hay nhẹ. Nó đòi hỏi người cầm cần phải có nghệ thuật quăng mồi, con mắt quan sát luồng cá…” - anh Hoàn cho biết. Trong lúc mọi người đang căng mắt chờ cá cắn câu, tôi và người bạn như đang bị lạc vào khung cảnh thần tiên. Hơn nửa tiếng thả mồi, một tiếng “vèo” phát ra, đó tiếng dây câu (một loại dây gân cỡ lớn) của anh Hoàn.“Cha cha, mấy con cá phá mồi” - Hoàn lầm bầm chửi mấy con cá tạp phá mồi. Nhanh như chớp, dây câu thứ hai được anh quăng ra xa đến vài mét chờ cá dứa đến ăn.
Khi mọi người đang rôm rả bàn về chiến lợi phẩm của anh Bảo vừa câu được, nhác nghe có tiếng ngóe ngóe từ trong bờ cỏ, phát hiện một con rắn đang cắn một con ếch. Cả nhóm lại hò reo bắt thêm một chú rắn và một chú ếch cho chiến lợi phẩm của mình. Không chỉ dừng ở một điểm câu, các cần thủ tiến dọc bờ sông cho cuộc chinh phục mới.
Đó là liên hoàn những ngọn thác nối tiếp nhau và kéo dài gần 10km, những ngọn thác này vào mùa nước lớn người dân địa phương cũng ít đến gần vì rất nguy hiểm. Nhưng vì có tính mạo hiểm và niềm đam mê câu cá, nhóm cần thủ vẫn tiếp cận điểm câu bằng mọi cách. Anh Bảo cho biết: “Để tiếp cận được điểm câu, đôi khi anh và các cần thủ phải bò qua những phiến đá trơn trợt, có những vách đá thẳng đứng cao đến chục mét và rong rêu bám đầy. Nhưng vì thú vui, tính thích thám hiểm chúng tôi vẫn tìm cách leo xuống để câu”.
Thư giãn với thiên nhiên
Với nhiều cần thủ lẫn chuyên nghiệp và nghiệp dư, đi câu không phải vì cá, mà đơn giản đây là giây phút thư giãn. Quan sát "đồ nghề" của những người "nghiện câu cá", không đơn giản gồm chiếc cần trúc, sợi cước mỏng, cái phao lông gà, cái lưỡi sắt như xưa. Giờ đây đồ nghề đi câu rất đa dạng, với nhiều phụ kiện hiện đại, nhiều mức giá phù hợp độ chơi của từng cần thủ.
Thí dụ như cần câu Trung Quốc có độ đàn hồi cao, độ dài thay đổi linh hoạt, giá từ 65.000-350.000 đồng/chiếc. Cần Hàn Quốc nhẹ, phụ kiện chắc chắn, bộ cuốn cước có thể mua rời, giá từ 650.000 đồng trở lên. Tiếp đến là máy quay tay, quay trực tiếp, kiểu đơn giản, có bộ phận quấn dây tự động giá từ 65.000-300.000 đồng. Thông thường những người câu cá "nghiệp dư" chỉ xách 1 cần gọi là hóng mát. Nhưng những người câu chính thống thường xách 5-10 cần đủ loại câu từng loại cá.
Giới cần thủ chuyên phượt câu cá ở những thác hoang cho biết, chuyện câu được cá là cả một nghệ thuật. Không chỉ là cần câu xịn, mồi câu ngon, mà để câu dính cá, các cần thủ phải biết cách chọn thời điểm, vị trí câu. Anh Truyền một cần thủ nghiền câu cá ở khu vực thác Thượng cho biết: “Đi câu cũng là dịp để... thử thách bản thân. Bởi câu cá cần sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Khi buông cần, người ta phải giữ sợi dây vừa đủ căng để cảm nhận được những động tĩnh nơi mặt nước và con cá. Đang câu mà có tiếng động lớn, khiến cần rung cá sẽ bơi mất. Đi câu cũng là một cách giải tỏa sức ép. Sau khoảng lặng đi câu, những gánh nặng lo toan mưu sinh thường ngày dường như được trút bỏ. Ở đó có biết bao khoảng lặng, suy tư chỉ có mặt hồ hiền hòa mới thấu hiểu”.
Câu cá đúng là một thú vui kỳ lạ. Có nhiều người câu ngồi cả ngày thậm chí không được con cá nào nhưng vẫn kiên trì chờ đợi. Nhiều người câu cho biết, trò này rất kén người chơi. Nhưng đã tham gia rồi khó mà bỏ được. Bởi nó giúp người ta rèn luyện tính kiên nhẫn, gột bỏ mọi căng thẳng lo toan của cuộc sống thường ngày.
Trước đây, khi nhắc đến câu cá, người ta thường liên tưởng đến thú vui tao nhã của những người trung niên hoặc bậc cao tuổi có nhiều thời gian rảnh rỗi. Nhưng ngày nay, đi câu cá đang trở thành thú vui, giải trí của nhiều người, không kể tuổi tác hay nghề nghiệp, nhất là giới trẻ thích phượt săn cá.
Tác giả: Thanh Hải
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải phóng