Ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu "phong" là "giáo sư âm nhạc" |
Trước những phản hồi quyết liệt của báo chí về việc "phong tặng" danh hiệu "giáo sư âm nhạc" cho ca sĩ Ngọc Sơn, ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam, người trực tiếp ký tên bằng khen trao cho Ngọc Sơn, cho hay ca sĩ Ngọc Sơn đã khai mình là giáo sư trong hồ sơ tham gia là hội viên của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam. "Anh ấy khai thế nào thì chúng tôi ghi thế" - ông Dũng nói. Vị này cũng cho biết thêm, trong đơn khi vào hội đã quy định nếu ai ghi sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên ông Dũng cũng thừa nhận đơn vị của ông không kiểm tra lại hồ sơ trước khi viết bằng khen. Ông Dũng cho hay thêm hội sẽ rút lại bằng khen với ca sĩ Ngọc Sơn. Khi biết thông tin báo chí đăng tải về sự việc, Hội đã yêu cầu ca sĩ Ngọc Sơn trình rõ chức danh giáo sư, hay bằng chứng chứng nhận là giáo sư. Ông này cho biết vì Ngọc Sơn là hội viên nên Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam có quyền yêu cầu ca sĩ này xuất trình giấy tờ chứng minh. "Nếu anh ấy đúng thì chúng tôi để, còn nếu không thì chúng tôi xóa cái đấy đi" - ông Lê Ngọc Dũng nói.Bên lề hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 90 về xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức ngày 22-8 tại Hà Nội, nhà văn Chu Lao thẳng thắn cho rằng việc Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phong tặng Ngọc Sơn danh hiệu "giáo sư âm nhạc" là hết sức tuỳ tiện. "Chúng ta đang lạm phát thuật ngữ danh hiệu ghê quá. Tình trạng này phổ biến sẽ dẫn đến chuyện "chợ trời danh hiệu""-nhà văn Chu Lai nhận xét.
Ông cũng cho rằng Ngọc Sơn chỉ là một ca sĩ Bolero, nếu ca sĩ này thực sự nghiêm túc thì sẽ sững người mà đặt câu hỏi rằng "mình giảng dạy bao giờ, nghiên cứu công trình nào… mà lại được "phong tặng" giáo sư âm nhạc?". Ít ra ca sĩ này nên có một sự mặc cảm về chuyện này, tuy nhiên Ngọc Sơn lại thể hiện ra là rất hoan hỉ. "Đây là sự hoan hỷ rất tối tăm, nó thúc vào những giá trị văn hoá của mình một cú hài hước. Thậm chí, nó còn gây ra sự cáu kỉnh và phẫn nộ"-tác giả "Phố nhà binh" nói.
Nhà văn Chu Lai đề nghị các hội nghề nghiệp trước khi hạ bút phong tặng cho ai cái gì nên tế nhị và cẩn trọng. Theo ông, việc tuỳ tiện này khiến cho việc phong tặng rơi vào một vùng nhạy cảm ghê gớm.
Nhà văn Chu Lai cho rằng danh hiệu đang bị biến thành một mặt hàng để kinh doanh |
"Việc một ca sĩ hát nhạc Bolero, tai tiếng kha khá, chưa bước lên bục giảng giảng dạy lần nào, chưa có một công trình sáng lạn nào… bỗng nhiên được "phong tặng" sáng láng giữa trời là "giáo sư âm nhạc" thì đó là một sự hài hước, không thể chấp nhận được. Và như thế, các giáo sư khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ cảm thấy chạnh lòng. Họ sẽ cảm thấy, hoá ra cả cuộc đời mình nỗ lực và kham khổ để tiến tới đỉnh cao về trí tuệ, trở thành hài hước, trở thành trò cười, trở thành "chợ trời" hết"-nhà văn Chu Lai nhận xét.
Đánh giá về việc phong tặng danh hiệu hiện nay, nhà văn Chu Lai cho rằng việc phong tặng danh hiệu đối với một số hội hiện nay không ổn một chút nào. Đã đến lúc chúng ta cần căn chỉnh tất cả. "Thực tế hiện nay có những hội mà chỉ cần có một chút vật chất bơm vào, thậm chí mua các danh hiệu bằng vật chất… là có thật. Tôi cho rằng, cả đơn vị chủ quản của hội này là Bộ Công Thương lẫn hội này cần phải xét xem việc xét phong tuỳ tiện này có nên tồn tại hay không. Tôi có cảm giác các danh hiệu cao quý đang bị biến thành một mặt hàng để họ kinh doanh trên thị trường thương hiệu. Đó là một sự xúc phạm cuộc đời, các giáo sư chân chính và cả những người có lương tri ở cuộc đời này"-nhà văn Chu Lai nhìn nhận.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động