Hằng ngày người dân phải đi qua cây cầu xập xệ này. ẢNH: MINH HẢI |
Theo quan sát của phóng viên, trụ cầu đã hư hỏng, khoảng 30 m lan can phía đầu cầu thôn Thanh Xuân bị đứt gãy, một bên dây néo cân bằng cầu bị đứt, mỗi khi có người qua lại, cầu rung lắc, bồng bềnh rất nguy hiểm. Người dân phải dùng các cây tre buộc sơ sài để đi tạm mỗi ngày.
Chị Hà Thị Dung (31 tuổi, ở thôn Thanh Xuân) cho biết mỗi ngày chị đều phải qua cầu để đi làm. Đặc biệt, đứa con trai lớn của chị học lớp 3 ngày nào cũng phải qua cây cầu này. Biết là nguy hiểm nhưng không còn con đường nào khác để ra khỏi thôn. “Nguy hiểm nhất là khi các cháu nhỏ đi học và những lúc qua cầu vào ban đêm.
Do lòng cầu hẹp, lan can không có, cầu cách mặt nước từ 15 - 30 m, nếu bất cẩn rơi xuống thì nguy hiểm vô cùng. Lúc bình thường qua cầu đã thấy rung lắc mạnh, những hôm trời có gió, mưa, đi qua cầu người lớn như chúng tôi cũng sợ”, chị Dung nói.
Anh Vi Văn Thận (31 tuổi, ở thôn Thanh Xuân) cũng bức xúc: “Cầu hư hỏng không chỉ gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà còn khiến dịch vụ du lịch cộng đồng của thôn bị ảnh hưởng. Các đoàn khách đến thôn thường là khách nước ngoài, khi qua cầu họ thấy không an toàn nên rất lo sợ”.
Theo anh Thận, vì yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn nên người dân không thể tự sửa cầu mà phải chờ cơ quan chuyên môn. “Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm khắc phục để người dân an tâm đi lại, các cháu nhỏ đến trường an toàn và hoạt động du lịch của thôn trở lại bình thường như trước đây”, anh Thận bày tỏ.
Lan can, trụ cầu hư hỏng nặng |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND H.Thường Xuân, cho biết cầu treo Thanh Xuân là 1 trong 22 cầu treo dân sinh thuộc 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, được Bộ GTVT đầu tư từ năm 2015, theo đề án xây dựng cầu treo đảm bảo an toàn giao thông ở các tỉnh miền núi phía bắc. Sau khi cầu bị hư hỏng do mưa lũ, xã và huyện đều đã báo cáo Sở GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa.
“Cầu treo Thanh Xuân do Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, đến nay đang còn thời hạn bảo hành nên việc sửa chữa, khắc phục thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Huyện chỉ báo cáo và xin ý kiến, không thể tự ý quyết định việc sửa chữa. Hơn nữa, sửa chữa cầu đòi hỏi kỹ thuật cao, cơ quan chuyên môn mới có thể xử lý được. Chúng tôi chỉ có thể yêu cầu xã đặt biển cảnh báo người dân khi qua cầu phải cẩn thận mà thôi”, ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, mới đây nhất, ngày 18.1, sau khi Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) có văn bản về việc bố trí vốn khắc phục, sửa chữa cầu treo Thanh Xuân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Sở GTVT Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật để tìm nguồn vốn sửa chữa, khắc phục cầu.
Trong khi tiếp tục chờ sửa chữa, hằng ngày hàng trăm lượt người dân, học sinh vẫn phải qua lại trên cây cầu nguy hiểm này.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Thanh Niên