Kinh tế

Thời cổ phiếu 'vua' trở lại: Những tên tuổi được chờ đợi

Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng có giá cao kỷ lục. Nhiều mã cổ phiếu mới lên sàn, hứa hẹn một thời kỳ mới của nhóm “cổ phiếu vua” này.

Dồn dập lên sàn

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), gần 650 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM từ 5/10 với mã giao dịch là LPB.

Cổ phiếu LienVietPostBank sẽ được giao dịch với giá tham chiếu 14.800 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của LienVietPostBank sẽ đạt mức hơn 9,5 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 10 trong nhóm ngân hàng niêm yết.

Cổ phiếu LienVietPostBank của ông Nguyễn Đức Hưởng sắp lên sàn.

LienVietPostBank là ngân hàng có mạng lưới được đánh giá lớn nhất với hơn 130 chi nhánh, phòng giao dịch khắp 63 tỉnh thành và hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch thông qua các bưu cục và điểm văn hóa xã. Đây là thế mạnh bán lẻ đã được ngân hàng này khai thác rất mạnh thời gian qua và đang được đầu tư để tạo lợi thế cạnh tranh thời gian tới.

Hiện cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), với tỷ lệ sở hữu 12,54%. Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng cũng sở hữu số cổ phiếu tương đương 4,95% vốn ngân hàng.

Trước đó, hồi giữa tháng 8, Ngân hàng VPBank (VPB) đã khuấy động thị trường chứng khoán với hơn việc đưa hơn 1,3 tỷ cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE với giá khởi điểm và cũng là giá chốt phiên đầu tiên: 39.000 đồng/cp.

Cơn sốt cổ phiếu VPBank (VPB) đã cũng mang đến cho thị trường chứng khoán 5 đại gia với túi tiền ngàn tỷ. Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cùng với vợ và mẹ nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu, trị giá tổng cộng gần chục ngàn tỷ đồng, lọt top 10 giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, nhà ông Bùi Hải Quân nắm hơn 100 triệu cổ phiếu, trị giá tổng cộng khoảng 4 ngàn tỷ đồng. Nhà ông Lô Bằng Giang, phó chủ tịch VPBank, cũng không hề kém cạnh và đều lọt top gia đình giàu có nhất trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, giữa tháng 6, giới đầu tư cũng chứng kiến 300 triệu cổ phiếu KienLongBank giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/cổ phần.

Cơn sóng của cổ phiếu NH

Từ đầu năm tới nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là một trong những động lực chính dẫn dắt giúp thị trường chứng khoán chung tăng trở lại và lên vùng cao nhất trong vòng khoảng 10 năm qua.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, 6 tháng đầu năm nhiều NH ghi nhân kết quả khả quan. Từ đó, giá cổ phiếu tăng tới 27%, vượt trội chung so với trung bình của VN Index.

Theo bà Hiền, 2017 là năm của cơ hội. Chính sự niêm yết của các NH là tạo thêm cơ hôi, tăng thêm hàng hóa chất lượng và minh bạch cho nhà đầu tư.

Giá trị của cổ phiếu NH đang được khẳng định bằng những yếu tố tích cực khi các chỉ số sinh lời tăng. Các yếu tố thuận lợi như: Tín dụng có thể tăng đạt 16 - 18% trong 2 năm tới, khả năng xử lý nợ xấu được đẩy mạnh với khung pháp lý mới... Trong khi đó, các ngân hàng có thể mạnh bán lẻ đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cá nhân, SME và đẩy mạnh đầu tư công nghệ sẽ mang sẽ có lợi thế lớn.

Cổ phiếu ngân hàng hút vốn.

Được biết, tính đến thời điểm 31/8/2017, Lienvietpostbank đã có tổng tài sản đạt gần 150.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt gần 138.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 96.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.289 tỷ đồng.Năm 2017, dự kiến lợi nhuận trước thuế vượt 1500 tỷ đồng và cổ tức tiền mặt mức 12%.

Hàng loạt ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận khả quan trong nửa đầu năm 2017: ACB lợi nhuận trước thuế đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ, Vieinbank lợi nhuận trước thuế tăng 12% đạt gần 4.800 tỷ đồng, Vietcombank lợi nhuận trước thuế đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5%, Sacombank lợi nhuận trước thuế ước đạt 428 tỷ đồng, còn SHB tổng lợi nhuận trước thuế đạt 801 tỷ đồng tăng 52%.

Trên thị trường, cổ phiếu NH đang có mức tăng tốt, LBP có giá chào sàn UpCom 14.800 đồng/cổ phiếu hiện được chào mua cao nhất ở mức 16 ngàn/cổ phiếu trên thị trường tự do, MBB tăng 1,5 lần trong vòng vài tháng; Cổ phiếu VPbank chào sàn 39 ngàn đồng, cao hơn nhiều so với mức xấp xỉ mệnh giá chỉ khoảng 1 năm trước đó. Techcombank cũng lên 3x, trong khi đó, HDBank cũng đạt mức 15 ngàn đồng….

Một trong những cản trở lớn nhất đối với nhóm ngân hàng chính là vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, vấn đề này đã được xử lý khá tốt trong vài năm gần đây. Nợ xấu không còn là yếu tố ngăn cản sự tăng trưởng của ngân hàng.

Hiện, tỷ lệ nợ xấu của LienVietPostBank hiện được kiểm soát ở tỷ lệ thấp, trong khi đó tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu thuộc nhóm cao nhất trong hệ thống hiện nay với 112% vào cuối 2016.

Còn nợ xấu đã bán cho VAMC không nhiều. Trong năm 2018, LienVietPostBank sẽ phối hợp với VAMC để xử lý xong phần dư nợ xấu đó. Trong khi đó, Sacombank cũng đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu khi đã cùng VAMC siết khoảng nợ hàng ngàn tỷ từ Công ty Hoàn Cầu, VAMC cũng thu hồi tài sản tòa tòa nhà cao thứ 3 Sài Gòn để xử lý nợ cho hàng loạt NH.

Bên cạnh đó, động lực tăng giá cho cổ phiếu của các ngân hàng, đặc biệt là những cổ phiếu đã tích lũy trong thời gian quá dài trước đó, đến từ những thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tín dụng, những tin đồn về cổ đông chiến lược và các đề án tái cơ cấu.

Với chỉ thị điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm vừa được ban hành, tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 sẽ đạt mức 20-22%. Một số NH có mức tăng trưởng lên tới 30-50%. Đây là cơ sở giúp các ngân hàng tăng thu nhập từ lãi vay.

Trong thời gian tới, hàng loạt các ngân hàng khác cũng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn. Đây sẽ là một nguồn cung mới tăng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư khi đầu tư vào ngành này. Các ngân hàng quy mô trung bình vừa và sắp niêm yết khá hấp dẫn vì đây là những ngân hàng được quản trị tốt và có tiềm năng tăng trưởng với thiên hướng nghiêng về cho vay tiêu dùng với tài sản khá sạch.

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok