Kinh tế

Cổ phiếu ngân hàng bật tăng

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã bật tăng mạnh mẽ, với mức tăng dẫn đầu thị trường chứng khoán.

Ngày 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã thông báo về tình hình xử lý nợ xấu sau gần 4 năm thực hiện đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Theo đó, Thống đốc NHNN cho biết kể từ năm 2012 đến 2016, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 610.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm trên 56%, còn lại là bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác chiếm gần 44%.

Tính đến hết 3 tháng đầu năm, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD còn trên 160.000 tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng cho vay nền kinh tế.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh nhất toàn thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 22/5 vừa qua. Đồ họa: Quang Thắng.

Chưa thể xử lý dứt điểm nợ xấu cũng như vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên có thể thấy đề án xử lý nợ xấu sau 4 năm thực hiện đã cho thấy kết quả rõ rệt.

Sau khi những thông tin tích cực về xử lý nợ xấu được công bố, trên sàn chứng khoán cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng đã vụt tăng mạnh cả về thị giá và khối lượng giao dịch trong phiên ngày 22/5.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, trên toàn thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành ngân có sức tăng mạnh nhất lên tới 3,64%. Cũng trong phiên ngày 22/5, ngành bán lẻ là nhóm cổ phiếu giảm sàn sâu nhất với tỷ lệ lên tới 24,12%.

Đáng chú ý, những cổ phiếu ngân hàng có mức tăng lớn nhất về thị giá và khối lượng giao dịch khớp lệnh đều là những ngân hàng đang sở hữu nhiều nợ xấu như BIDV, VietinBank, Sacombank.

Cụ thể, kết thúc phiên ngày 22/5, cổ phiếu BID của BIDV đã tăng kịch trần 1.200 đồng/cổ phiếu lên mức 18.400 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến nay của cổ phiếu BID. Cũng trong phiên giao dịch này, khối lượng giao dịch khớp lệnh của BID cũng lên tới 15,7 triệu đơn vị, cao nhất trong năm 2017. Trước đó, trung bình mỗi phiên chỉ có khoảng 4-5 triệu cổ phiếu BID khớp lệnh mua và bán.

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (23/5), BID tiếp tục phá đỉnh tăng lên mức 18.550 đồng/cổ phiếu với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh.

VietinBank là nhà băng sở hữu khối lượng nợ xấu nội bảng lớn thứ 3 trong số các ngân hàng với hơn 7.917 tỷ đồng. Cổ phiếu CTG của nhà băng này đã tăng 1.000 đồng/cổ phiếu lên mức 19.200 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm qua. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đâu năm đến nay của CTG, so với đầu năm, cổ phiếu nhà băng này đã tăng gần 20%.

Những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn hiện nay đều có mức tăng giá khá ấn tượng trong phiên giao dịch ngày 22/5. Đồ họa: Quang Thắng.

Cổ phiếu STB của Sacombank, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao nhất hệ thống (4,9%) cũng tăng 300 đồng/cổ phiếu trong ngày hôm qua. Các cổ phiếu nhà băng khác như Vietcombank, MBBank, ACB cũng tăng lần lượt 750 đồng, 550 đồng và 400 đồng.

Không chỉ tăng về thị giá, hầu hết mã cổ phiếu ngân hàng đều tăng mạnh khối lượng giao dịch khớp lệnh trong ngày hôm qua gấp 2,3 lần những phiên trước đó.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/5, một số cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu giảm giá tuy nhiên những mã cổ phiếu này vẫn tăng mạnh về khối lượng giao dịch khớp lệnh trong phiên.

Trong dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu đã đề cập tới một số giải pháp giúp cải thiện tình hình xử lý nợ xấu hiệu quả, trong đó nhấn mạnh vào tới việc bảo vệ quyền của chủ nợ và phát triển thị trường mua bán nợ.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để xử lý nợ xấu 1 cách hiệu quả, việc thành lập và phát triển 1 thị trường mua bán nợ và bảo vệ quyền lợi của chủ nợ là điều kiện quan trọng nhất.

Theo đó, dự thảo cho biết TCTD, VAMC sẽ được bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, kể cả khoản nợ xấu đó thấp hơn giá trị ghi sổ. Ngoài ra, VAMC được mua cả nợ xấu hạch toán trong bảng và ngoài bảng và được phép bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua.

Tổ chức, cá nhân mua các khoản nợ này được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua; được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok