Trong tỉnh

Thọ Xuân (Thanh Hóa): Dân hoang mang vì sạt lở sông Chu

Tình trạng sạt lở ven bờ sông Chu ngày càng ăn sâu vào ba thôn Quảng Phúc, Hiệp lực và Đại Đồng thuộc xã Xuân Thiên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang ở mức báo động. Nếu như không có biện pháp kịp thời, e rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa, nhiều căn nhà cùng vườn tược của người dân sẽ bị cuốn trôi theo dòng chảy của sông Chu.

Nhiều người dân xã Xuân Thiên cho biết: Từ trận lụt lịch sử cuối năm 2017 quét qua tỉnh Thanh Hóa, trong đó ba thôn Quảng Phúc, Hiệp Lực và Đại Đồng bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng sạt lở bên bờ sông Chu vẫn đang diễn ra từng ngày. Theo thông tin do chính quyền xã Xuân Thiên cung cấp, trên toàn xã hiện có 110 hộ dân sống dọc bờ sông Chu, trong đó có 24 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng, 12 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp.

Ông Nguyễn Văn Hội đang chỉ tay xuống khu vực công trình phụ bị cuốn trôi xuống sông.

Là một trong những hộ bị sạt lở nặng nhất, ông Nguyễn Văn Hội chia sẻ: Trước đây diện tích đất nhà tôi sau khi làm công trình vệ sinh thì còn khoảng gần 20m đất để làm vườn. Từ khi có trận lụt cuối năm 2017 thì toàn bộ phần đất vườn sau nhà dùng để trồng xoan và cây ăn quả cùng công trình phụ bị cuốn trôi xuống sông tất cả, cứ mỗi ngày trôi qua diện tích đất nhà tôi lại bị sạt lở thêm một ít, có nhiều chỗ đến tận móng nhà.

Sạt lở sâu tận vào còn đường bê tông thôn Quảng Phúc.

Theo quan sát của PV, hầu hết 110 hộ dân xã Xuân Thiên sống ven bờ sông Chu đều bị ảnh hưởng từ việc sạt lở, nhà nhẹ nhất thì mất 5-10m đất, nhà nặng nhất thì mất cả vườn và công trình nhà cửa, công trình phụ vừa xây dựng. Theo dọc con đường dẫn vào thôn Quảng Phúc, mới thấy được tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng, toàn bộ phần đất nền đã bị cuốn trôi xuống sông, chỉ còn lớp bê tông mỏng nhô ra rõ rệt. Điều mà khiến bà con nơi đây trăn trở là tình trạng sạt lở đã đến tận móng nhà, nên việc người dân tiếp tục ở lại đây ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm.

Sạt lở sâu tận vào còn đường bê tông thôn Quảng Phúc.

Lo lắng từng ngày, bà Nguyễn Thị Ái (xóm 4 thôn Đại Đồng) cho biết: Nhà tôi sinh sống ở đây đã 3 thế hệ, hồi đó mép sông cách tường cũng chừng 30m, nhưng từ khi tình trạng sạt lở diễn ra thì đi được vài bước chân đã tới khu vực sạt lở. Những ngày mưa gió hay nước sông Chu dâng cao, mọi người trong nhà đều phải chia nhau canh chừng đề phòng sạt lở, do hoàn cảnh khó khăn nên vẫn chưa có điều khiện mua đất mới. Ước mơ hiện tại của tôi cũng như nhiều người dân sống gần sông Chu là mong muốn được chuyển đến khu tái định cư, rất mong chính quyền các cấp có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Sạt lở sâu tận vào còn đường bê tông thôn Quảng Phúc.

Mang những trăn trở của người dân, trao đổi với Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên, ông Nguyễn Duy Đào cho hay: Nhận được thông tin của bà con sống gần sông chu ở ba thôn Đại Đồng, Quảng Phúc và Hiệp lực thì chính quyền xã đã cử người xuống kiểm tra ngay lập tức, tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến đời sống bà con là hoàn toàn có thật. Do các hộ sống gần khu vực sông Chu nên trước đây tình trạng sạt lở đã diễn ra nhưng ở mức nhỏ, tuy nhiên do trận lụt tháng 10/2017 thì mức độ sạt lở đã trở nên nghiêm trọng và đáng báo động. Trước tình hình đó phía UBND xã Xuân Thiên đã vận động bà con di dời tạm đến nhà họ hàng, người thân để đảm bảo. Vào ngày 9/4 thì Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đã xuống khảo sát tình hình, từ đó có những biện pháp hỗ trợ giúp các hộ dân tái định cư ở khu vực an toàn.

Ông Nguyên Duy Đào đang trả lời PV về tình trạng sạt lở bên bờ sông Chu.

Để ổn định đời sống, giúp người dân ở khu vực sạt lở cạnh sông Chu thì huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời và thiết thực. Bố trí quỹ đất hợp lý để tái định cư, đất sản xuất, tạo việc làm, kêu gọi nguồn vốn xã hội, bởi nhẽ hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng đều là những gia đình khó khăn.

Tác giả: Đức Duy

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok