Mẹ tôi giải thích, sở dĩ người dân quê tôi quen gọi tên món ăn là “thịt heo leo cây” là để bộc lộ niềm khát khao được ăn ngon và đánh tan đi cái đói nghèo đeo đẳng. Mà cũng thật tình cờ, nếu đem cơm dừa kho khô bằng nước màu thì khi đã khô sền sệt, nó cũng có cái màu vàng đặc trưng giống như thịt heo kho khô vậy. Nếu không nhìn kĩ, có thể bạn cũng sẽ bị nhầm lẫn.
Công thức để làm món “thịt heo leo cây” rất dễ, không cầu kì nhưng lại mang được cái hồn quê của người dân Đồng khởi. Trước tiên bạn mua một trái dừa (có cơm không cứng quá, cũng không mềm quá) đem về đập ra, rồi nạo cơm dừa bằng chiếc đũa bếp tre. Khi cơm dừa đã được tách ra khỏi lớp vỏ, bạn đem thái thành từng miếng với những hình dạng khác nhau tùy theo ý thích.
Phần cơm dừa vừa được thái cho vào chiếc nồi đất, nêm một chút nước mắm, đường, bột ngọt và nước màu (làm từ nước dừa) rồi trộn đều. Sau đó bắc nồi cơm dừa lên bếp và đun lửa liu riu. Khi món ăn đã sôi, bạn thêm vào một ít nước dừa, chút tiêu, hành phi hoặc tỏi phi đã làm sẵn. Tiếp tục đun lửa cho đến khi khô sền sệt thì tắt bếp là có thể dùng được. Bạn cứ dùng tự nhiên trong chiếc nồi đất mà không cần phải gắp ra đĩa. Bởi chiếc nồi đất sẽ làm nhiệm vụ giữ cho món ăn này luôn nóng, tạo cảm giác ngon miệng hơn trong khi dùng cơm. Ngoài ra, món này có thể dùng với rau sống, dưa leo hay rau luộc đi kèm cũng ngon đáo để.
Tuy đây không phải là món ăn “cao lương mĩ vị”, nhưng hãy một lần nếm thử để cảm nhận vị béo ngậy của cơm dừa, vị ngọt đặc trưng của nước dừa khi quánh lại, mùi thơm lâng lâng của hành phi, tiêu và vị đậm đà của món “thịt heo leo cây” khi kho bằng nồi đất. Và đặc biệt hơn khi bạn có dịp thưởng thức món ăn ở ngay tại vùng đất quê hương Đồng Khởi thân thương.
Tác giả bài viết: Trung Công