Giáo dục

Thi vào lớp 10: Học sinh 2K5 cần "tránh xa" những lỗi sai cơ bản này để đạt điểm cao

Phân bổ thời gian không hợp lý, quá chủ quan với những dạng bài dễ và quen thuộc hay xác định không đúng yêu cầu của đề bài, ... là những sai lầm học sinh 2k5 cần “tránh xa” khi làm bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10.

Một số lỗi thường gặp khi làm bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 mà thí sinh nên biết để "tránh xa". Ảnh minh họa

Phân bổ thời gian không hợp lý

Theo quy định, bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 có thời gian làm bài là 120 phút, với các câu hỏi: Đọc hiểu văn bản, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Để có thể đạt điểm cao tuyệt đối, bên cạnh việc nắm chắc toàn bộ kiến thức, thí sinh phải kiểm soát được thời gian làm bài mới đảm bảo làm hết các câu hỏi trong đề.

Theo kinh nghiệm của nhiều thầy, cô giáo chia sẻ, các thí sinh nên phải tự phân chia thời gian làm bài hợp lí cho từng câu hỏi. Ví như bài đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội mỗi câu chỉ chiếm khoảng 3 điểm nên thí sinh không cần viết quá dài, mỗi câu viết khoảng 1 trang giấy thi là đủ. Câu hỏi nghị luận văn học chiếm nhiều điểm nhất, nên thí sinh cần dành nhiều thời gian để viết sâu hơn, chi tiết hơn.

Có nhiều trường hợp thí sinh mải mê làm những câu mà mình nắm chắc kiến thức nhất mà dành thời gian ít cho những câu hỏi khác, dẫn đến những câu sau thường bị thiếu ý, bài viết sơ sài, làm mất điểm đáng tiếc.

Trình bày lan man, dài dòng hoặc quá tắt tém

Cấu trúc đề thi văn vào lớp 10 thường bao gồm 3 câu: Đọc hiểu văn bản, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Mỗi câu sẽ có những yêu cầu riêng về cách trả lời cũng như trình bày. Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn chưa nắm rõ để có thể phân bổ thời gian hợp lý, dẫn đến một số lỗi sai “điển hình” sau:

Trả lời tắt tém, thiếu ý:

Nhiều học sinh suy nghĩ rằng nên viết câu ngắn để đảm bảo không sai ngữ pháp. Tuy nhiên, nhiều bạn lại viết câu quá ngắn gọn, tắt tém dẫn đến câu cụt ý, câu sai, thiếu ý… Với việc viết câu tắt tém như thế, bài làm của học sinh sẽ không thể hiện được hết nội dung của bài làm dẫn đến điểm bài thi không cao.

Theo đó, để đạt điểm tuyệt đối, học sinh nên trình bày đủ ý của câu, viết câu rõ ràng, không vắn tắt để người chấm có thể hiểu được hết những nội dung mà học sinh muốn truyền tải. Bên cạnh đó, câu văn cũng cần được trau chuốt, mượt mà thì bài làm sẽ dễ gây được cảm tình cho người chấm.

Nghị luận xã hội sa vào kể chuyện, thừa ý, thiếu dẫn chứng:

Câu nghị luận xã hội (viết khoảng 1 trang giấy thi) phản ánh suy nghĩ, quan điểm của học sinh về một hiện tượng, một ý kiến hay một vấn đề “nóng” đang xảy ra trong xã hội,…

Một bài văn nghị luận xã hội phải có đủ hệ thống luận điểm, luận cứ và dẫn chứng để gia tăng tính thuyết phục cho bài văn. Song rất nhiều thí sinh khi làm văn nghị luận xã hội thường sa vào kể chuyện, đưa ra rất nhiều ý kiến và dẫn chứng thiếu xác đáng và thuyết phục.

Do vậy, thí sinh cần lưu ý: Các dẫn chứng đưa ra không cần nhiều nhưng phải được chọn lọc, vừa đảm bảo tính chính xác, tiêu biểu và sát hợp với vấn đề cần nghị luận; số lượng dẫn chứng đưa ra phải luôn đi kèm với chất lượng, đi sâu phân tích chứ không làm bài theo kiểu liệt kê.

Xác định chưa đúng yêu cầu đề bài

Đây là một trong những lỗi mà thí sinh thường hay mắc phải khi làm bài thi môn Văn vào lớp 10. Việc này dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhẹ thì xa đề, nặng thì sai đề và lệch đề hoàn toàn. Một số lỗi thí sinh mắc phải khi không xác định đúng yêu cầu của đề bài dẫn đến mất điểm có thể gặp như: Viết lạc đề, trả lời không đúng trọng tâm, bỏ sót các yêu cầu phụ của bài.

Nguyên nhân, có thể thí sinh còn gặp phải yếu tố tâm lý, vào phòng thi thấy căng thẳng, áp lực do sự chuẩn bị ôn luyện chưa kỹ; còn tình trạng học tủ, học vẹt, rập khuôn kiến thức máy móc,…

Do đó, sau khi nhận được đề thi, thí sinh cần lấy bút gạch chân vào những cụm từ chính, những “từ khóa” trong đề bài.

Nên dành ra khoảng 5 – 10 phút để gạch dàn ý sơ lược bài làm ra nháp, đối với các câu nghị luận thì xác định được hệ thống luận điểm, luận cứ cho rõ ràng, mạch lạc rồi mới bắt tay vào làm bài.

Gạch xóa nhiều trong bài

Môn Ngữ văn đòi hỏi rất cao tính trình bày bài thi. Do đó, các thí sinh trình bày càng sạch đẹp thì người chấm càng dễ chấm điểm. Tuy nhiên, nhiều bạn lại có thói quen tẩy xóa, viết sai rồi tô đậm lên chữ sai khiến bài thi trở nên không đẹp và rõ ràng.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh có chữ viết cẩu thả, sử dụng và lạm dụng các ký hiệu, bài thi viết hai màu mực, sử dụng bút phủ, bút xóa… khiến bài trở nên nhom nhem, gây mất mỹ quan có thể ảnh hưởng đến điểm số.

Theo đó, thí sinh nên trình bày bài thi rõ ràng, hạn chế dùng bút xóa, sử dụng ký hiệu, bài thi với hai màu mực… Khi viết sai chỉ nên gạch một lần rồi viết lại, không nên tô đậm chữ đó lên khiến bài thi trở nên rối và không đẹp.

Tác giả: Thủy Tiên

Nguồn tin: doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok