Kinh tế

Thị trường vừa hồi phục, Bộ Tài chính đòi tính thuế xe 1,5 tỷ đồng

Hết tháng 3/2018, con số thống kê về doanh số và nhập khẩu xe hơi đã có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ rệt, tiêu thụ xe tăng mạnh, xe nhập khẩu cũng về Việt Nam dồn dập, nhiều hơn trước. Tuy nhiên, một sự kiện thu hút sự quan tâm dư luận là Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản đối với xe hơi giá trị từ 1,5 tỷ đồng.

Sau 2 tháng đóng băng, ô tô bán ra bất ngờ tăng mạnh

Sau 2 tháng "đóng băng", lượng ô tô bán ra trong tháng 3/2018 kể cả xe lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu về Việt Nam đã bất ngờ tăng rất mạnh ở mọi phân khúc và chủng loại.

Bộ Tài chính đòi tính thuế tài sản với các loại xe có giá trên 1,5 tỷ đồng

Cụ thể, báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng 3, doanh số bán xe toàn thị trường mức tăng hơn 21.100 chiếc. Trong đó, hơn 12.800 chiếc là xe du lịch (chiếm 60%); doanh số xe du lịch tăng 48%, xe thương mại tăng hơn 100% và xe chuyên dụng tăng hơn 222%.

Đáng chú ý nhất là lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước đạt hơn 18.700 xe (chiếm 88% lượng xe tiêu thụ), tăng 76% so với tháng trước. Số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc bán ra trong tháng 3 cũng đạt là 2.350 xe, tăng 37% so với tháng trước.

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô, xe lắp ráp tiêu thụ tốt trong tháng 3 là do nhu cầu xe tăng phục hồi trở lại sau những tháng chịu ảnh hưởng của Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, toàn thị trường, nhu cầu xe trong nước tăng cao do sức mua vẫn ổn định, xe trong nước dần thay thế "khoảng trống" xe nhập khẩu để lại.

Cũng trong tháng 3/2018 liên tiếp nhiều lô xe nhập về Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi về nước đã đạt hơn 3.200 chiếc. Mức này đã nhích tăng so với tháng trước song vẫn thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều khách hàng là tín đồ xe nhập từ Đức, Pháp, Nhật, Mỹ vẫn ngóng xe về nước song số lượng hạn chế hoặc không thể nhập được.

Xe Thái chiếm 80%, ô tô "không thuế" khuynh đảo thị trường Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tổng số hơn 4.217 chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 3 tháng qua, ô tô không thuế xuất xứ từ Thái Lan vào khoảng 3.400 chiếc, chiếm hơn 82% tổng lượng xe về Việt Nam.

Trong khi đó, lượng xe sang nhập từ các nước phát triển vẫn đóng băng. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2018 rất ít xe hơi dưới 9 chỗ ngồi của Đức, Nhật, Mỹ và Anh được nhập về Việt Nam.

Cụ thể 3 tháng qua, xe hơi xuất xứ từ Anh về Việt Nam chỉ có 10 chiếc, xe Đức là 8 chiếc, xe Hàn 43 chiếc, xe Mỹ là 39 chiếc và xe Nhật là 39 chiếc. Trong đó, lượng xe nhập từ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật nói trên còn có cả xe trên 9 chỗ ngồi, xe khách và xe chuyên dùng, chỉ có số ít là xe con dưới 9 chỗ ngồi.

Nếu trước kia xe hơi nhập khẩu về Việt Nam có nhiều tư cách pháp nhân khác nhau thì hiện xe nhập từ Thái Lan về Việt Nam đều phải “qua tay” các liên doanh lớn ở Việt Nam như Honda, Ford, Mitsubishi, Suzuki, Toyota... Các doanh nghiệp lớn này đang chiếm gần như 100% đầu mối nhập khẩu xe của ASEAN về Việt Nam, điều này có thể gây nguy cơ dẫn đến thâu tóm giá và độc quyền thị trường xe nhập.

Giá Honda Thái rẻ hơn xe "không thuế" ở Việt Nam gần 100 triệu đồng/chiếc

Mặc dù được mệnh danh là xe "không thuế" nhập từ Thái Lan nhưng những chiếc xe Honda Thái Lan - sản phẩm đầu tiên được nhập về Việt Nam kể từ khi Thông tư 03 của Bộ GTVT hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhập xe thuế 0% về Việt Nam vẫn không rẻ.

So sánh giá bán lẻ của Honda Thái Lan và Honda Việt Nam, mức giá bán cơ bản 3 mẫu xe là CRV, Jazz, Civic nhập nguyên chiếc từ Thái Lan, thì 2 mẫu xe Jazz và Civic Thái Lan có mức giá thấp hơn trên 100 triệu đồng so với giá bán cùng loại ở Việt Nam.

Dòng Jazz, bản số tay tại Thái Lan có giá 555.000 Baht (399 triệu đồng); bản Jazz sử dụng hộp số vô cấp CVT giá 594.000 Baht (427 triệu đồng). Bản Jazz loại V và V+ được bán tại Thái giá 654.000 Baht đến 694.000 Baht (470 - 498 triệu đồng). So với mức giá Honda Việt Nam đề xuất giá bán tại Thái Lan vẫn thấp hơn từ 70 triệu đến 100 triệu đồng.

Dòng Honda Civic, giá bản 1.8E tại Việt Nam giá bán 763 triệu đồng, trong khi Honda Thái Lan chỉ 869.000 Baht (624 triệu đồng), mức chênh 139 triệu đồng.

Ở Honda Malaysia, các dòng xe tại nước này cũng rẻ hơn tại Việt Nam, mức giá bán xe Jazz số tự động AT có giá 72.510 Ringit (R)/chiếc, tương đương 420 triệu đồng. Mức giá bán tại các đại lý bên ngoài còn rẻ hơn, chỉ khoảng 65.000 đến 68.000 R (gần 400 triệu đồng). Trong khi đó, dòng xe Civic có giá 110.430 R, tương đương 640 triệu đồng. Bản ngoài các đại lý tư nhân bán lẻ có giá khoảng 116.000 đến 124.000 R, khoảng 670 đến 719 triệu đồng/chiếc.

Nhiều lính mới xe "không thuế" ASEAN có thể vào Việt Nam

Sau khi đưa một số loại xe lạ như Honda Jazz vào thị trường Việt Nam để thử thị trường, sắp tới rất có thể nhiều mẫu xe mới của Toyota, Honda, Ford có đại bản doanh tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ cập bến tại Việt Nam.

Toyota Wigo có giá bán tại Indonesia dưới 300 triệu đồng, chiếc xe này đang được lên kế hoạch nhập về Việt Nam trong năm 2018. Cũng về phân khúc xe nhỏ, giá rẻ, Toyota Agya của Indonesia, có giá bán 126 triệu Rupiah (trên 200 triệu đồng) cũng được lên kế hoạch nhập về Việt Nam, đây là dòng xe có khả năng cạnh tranh tốt với Kia Morning và Hyundai i10 lắp ráp trong nước.

Cùng với Wigo và Agya, mẫu xe nhỏ giá rẻ của Honda là Brio cũng sẵn sàng vào Việt Nam, mức giá xe này được bán tại Thái Lan và Indonesia khá rẻ chỉ khoảng 200 đến 215 triệu đồng.

Về phân khúc xe SUV và Crossover cỡ nhỏ, CRV, CX5 và Hyundai SantaFe có 2 đối thủ cạnh tranh rất đang gờm là Honda HRV và Toyota Rush. HR-V phiên bản 2018 ở Thái Lan vào khoảng 999.000 Baht đến khoảng 1 triệu Baht (tương đương khoảng 700 đến 800 triệu đồng).

Trong khi đó, tại Indonesia, dòng xe Toyota Rush năm 2018 có ngôn ngữ thiết kế rất bắt mắt, gầm cao, trẻ trung và số chỗ ngồi 5+2. Giá bán tại Indonesia vào khoảng 278,6 triệu Rupiah (tương đương hơn 454 triệu đồng).

Đánh thuế xe tiền tỷ: Thu ngân sách hay bảo hộ?

Bộ Tài chính vừa đề xuất đánh thuế tài sản đối với xe ô tô trị giá từ 1,5 tỷ đồng, thực chất việc đánh thuế này được cho là nhằm chủ yếu là xe nhập, xe sang và khó thu được số ngân sách như kỳ vọng vì tiêu thụ các dòng xe này tại Việt Nam không nhiều so với xe ô tô phân khúc dưới 1,5 tỷ đồng.

Có thể điểm qua các dòng xe "dính" thuế tài sản như Odyssey của Honda; Land Cruiser VX và Land Cruiser Prado của Toyota; Ford Everest Titanium 3.2AT 4WD và Explorer của Ford; toàn bộ mẫu xe nhập khẩu hoặc lắp ráp của BMW, Mercedes và Lexus, Land Rover, Audi, Volkswagen, Volvo...

Trong khi đó, thị trường có doanh số tiêu thụ các dòng xe dưới 1,5 tỷ đồng rất lớn, đơn cử những xe gần đây được nhắc nhiều nhất là: Honda CRV, CX5, Hyundai SantaFe, Toyota Camry, Innova hay Mitsubishi Outlander cũng đều miễn nhiễm trước đề xuất đánh thuế tài sản.

Hiện Bộ Tài chính chưa đưa ra căn cứ nào để biện minh cho việc đánh thuế tài sản với xe có giá 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, dư luận đang nghi ngờ việc đánh thuế tài sản có thể hướng vào các dòng xe nhập khẩu, lập hàng rào phi thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok