Phương án thi THPT quốc gia năm 2019 có 5 nội dung điều chỉnh trong các khâu, gồm đề thi; coi thi; chấm thi; công bố kết quả thi và phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi sẽ có camera giám sát 24/24 giờ. Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao cho các trường đại học chủ trì, chứ không giao cho các sở như năm 2018. Điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp, còn điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh cộng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) chỉ chiếm 30%...
Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. |
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi 2019, nhiều giáo viên, chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học đều đồng tình và cho rằng, về cơ bản phương án thi này vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức sẽ không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh.
“Tôi thấy quan tâm nhất đối với một trường THPT thì chương trình và đề thi. Bộ công bố chương trình ở cấp trung học, nhưng cơ bản ở lớp 12 như thế thì đối với học sinh cũng sẽ tạo ra tâm lý thật là tốt cho học sinh, không có bất kỳ khó khăn gì. Còn những điều chỉnh khác của kỳ thi cơ bản chỉ là những điều chỉnh mang tính kỹ thuật, ví dụ như phân công coi thi, chấm thi, vấn đề bảo mật, đây là những nghiệp vụ thông thường Bộ có thể chọn một giải pháp an toàn nhất”- ông Đỗ Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc nói.
Một số ý kiến cũng nhận định, những thay đổi ở khâu kỹ thuật trong tổ chức thi, chấm thi như xếp phòng thi, đánh phách điện tử và mã hóa dữ liệu trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm... sẽ hạn chế được gian lận trong khâu coi thi, chấm thi. Bởi lẽ, đây chính là những khâu có kẽ hở mà một số đối tượng đã lợi dụng để gian lận.
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho rằng, điểm mới là Sở Giáo dục- Đào tạo không chấm bài thi trắc nghiệm và các trường đại học, cao đẳng ở địa phương không tham gia coi và chấm ở tại địa phương.
“Đây là giải pháp quan trọng để có thể triệt tiêu những vấn đề tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương năm 2018. Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT từ 50% lên 70% thì không có gì nằm ngoài chỉ đạo của các Sở, vì chúng tôi phải tiến đến kết quả thi thực chất”- ông Nguyễn Minh Tường nói.
(Ảnh minh họa: KT) |
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, với các trường đại học, cao đẳng, ngoài việc phối hợp tổ chức thi như những năm trước đây, tại kỳ thi năm 2019 sẽ đảm nhiệm thêm phần việc chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm cũng sẽ góp phần giảm nguy cơ tiêu cực như năm 2018.
“Bây giờ kẽ hở hay tiêu cực của năm 2018 có thể khắc phục bằng những cách mà chúng tôi cũng đề xuất nhiều cách rồi trong đó có đề xuất cách chấm tập trung, có thể tổ chức một số cụm để chấm tập trung 10-15 cụm. Như vậy thì rõ ràng với sự giám sát chặt chẽ của bộ về mặt kỹ thuật có thể đưa ra các giải pháp để con người không thể can thiệp được nữa thì tôi thấy Bộ năm nay đi theo hướng này, đặc biệt là bộ đã đưa ra hướng là giao cho các đại học chủ trì, lắp camera giám sát rồi tổ chức đánh phách điện tử. những cái đó tôi hi vọng sẽ tốt”- ông Trần Văn Tớp cho biết.
Dù phương án thi THPT năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khá rõ ràng, nhưng một số ý kiến cũng cho rằng, giới hạn đề thi chủ yếu là kiến thức lớp 12 vẫn còn chung chung. Hiện nay đã chuẩn bị kết thúc chương trình học kỳ I, Bộ nên công bố tỷ lệ kiến thức lớp 12 rõ ràng hơn, có thể là bao nhiêu phần trăm và sớm công bố đề thi minh họa để học sinh và giáo viên các trường chủ động ôn tập tốt hơn./.
Tác giả: Minh Hường
Nguồn tin: Báo VOV