Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành Văn bản số 1960/BGDĐT-TTr gửi các sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Theo đó, năm nay công tác thanh tra, kiểm tra bổ sung một loạt điểm mới rút kinh nghiệm những sai phạm trong thi năm 2019. Cụ thể:
Chánh Thanh tra Bộ GDĐT quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại các Hội đồng thi và sở GDĐT; trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.
Chánh Thanh tra Sở GDĐT quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm bài, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương; trường hợp cần thiết Giám đốc Sở GDĐT quyết định.
Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng kiểm tra công tác thi THPT quốc gia
Cán bộ liên quan tới sai phạm không được tham gia thanh tra, kiểm tra thi
Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cán bộ, công chức, viên chức tham gia thanh tra, kiểm tra thi phải bảo đảm các điều kiện: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; nắm vững quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi.
Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các trường đại học, các sở GD&ĐT tổ chức thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại một số HĐT; thanh tra trực tiếp công tác chấm thi tại các HĐT.
Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc sở và cơ sở giáo dục đại học tổ chức thanh tra, kiểm tra thi.
Cán bộ, công chức, viên chức không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi có người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại Điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi.
Cán bộ thanh tra phải làm việc liên tục tại vị trí được phân công
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể nội dung và phương pháp thanh tra, kiểm tra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào công tác chuẩn bị thi; coi thi; chấm thi tự luận; xử lý các bài thi vi phạm quy chế thi và cập nhật điểm thi vào hệ thống quản lý thi trung học phổ thông quốc gia; phúc khảo bài thi tự luận; xét công nhận tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT yêu cầu cán bộ thanh tra, kiểm tra làm việc liên tục tại vị trí được phân công; báo cáo Trưởng đoàn thanh tra kịp thời về lý do vắng mặt tại địa điểm thanh tra, kiểm tra trong thời gian thanh tra, kiểm tra (nếu có).
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, thành lập tổ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Tổ giám sát có thể gồm nhiều nhóm, mỗi nhóm có ít nhất 2 thành viên (trong đó ít nhất 1 thành viên là cán bộ, giảng viên của cơ sở giáo dục ĐH thuộc đơn vị phối hợp tổ chức thi) để giám sát hoạt động thanh tra thi tại tất cả các điểm thi theo quy định.
Cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc xác minh, xử lý sai phạm đối với những người tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra thi thực hiện theo Khoản 2 Điều 24 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT và quy định pháp luật có liên quan.
Công khai số điện thoại tiếp nhận xử lý thông tin thi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) thành lập và công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi từ ngày 3-6 đến hết ngày 4-8-2019. |
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí