Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. ĐÀO NGỌC THẠCH |
Tại Trường ĐH Văn Lang, bên cạnh 2 phương án truyền thống như mọi năm là xét tuyển điểm thi THPT quốc gia và học bạ, trường sẽ có thêm phương án xét tuyển kết hợp cả hai cách này. Cụ thể, hồ sơ xét tuyển sẽ có 2 cột điểm học bạ và thi THPT quốc gia theo tổ hợp môn. Thí sinh sẽ chọn điểm cao nhất ở hai cột điểm. Chẳng hạn, thí sinh lựa chọn tổ hợp môn A00 có thể lấy môn toán, lý ở điểm thi THPT quốc gia và điểm môn hóa từ học bạ lớp 12.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Qua nhiều năm làm công tác tuyển sinh, tôi thấy tiếc cho nhiều thí sinh phải lựa chọn một trong hai phương án xét tuyển. Lý do là nếu tính theo tổ hợp môn tương đương, nhiều khi thí sinh có điểm cao một môn ở điểm thi THPT quốc gia nhưng các môn khác lại thấp. Trong khi đó, điểm môn thấp trong tổ hợp lại cao ở điểm học bạ. Vì vậy, nếu có thể kết hợp để lấy điểm cao nhất từ cả hai phương thức này sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển tốt nhất cho thí sinh”.
Bên cạnh các phương thức tuyển sinh cũ, năm nay Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thêm cách xét tuyển mới là lấy kết quả của thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển vào các ngành học của trường này. Riêng hai ngành y khoa, y học dự phòng, ngoài việc chỉ xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường cũng tổ chức phỏng vấn các thí sinh. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, dự kiến hai ngành này sẽ có ngưỡng đảm bảo chất lượng.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến mở đào tạo thêm ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, trường đổi mã tuyển sinh từ KTC thành UEF trong kỳ tuyển sinh 2019.
Tác giả: Đăng Nguyên
Nguồn tin: Báo Thanh Niên