Kinh tế

Thêm vụ tính nhầm giá xăng: Đánh thuế tiền để dành của dân?

Sau vụ tính thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xăng hiện nay còn có điểm vô lý khi thuế này đánh "chồng" cả vào khoản trích 300 đồng/lít Quỹ bình ổn, tức là khoản tiền để dành của người tiêu dùng.

Tính nhầm giá xăng: Bộ Tài chính họp khẩn, bắt DN chịu
Bộ Công Thương tính nhầm giá xăng: Trăm tỷ ai được lợi?

Điểm vô lý này cũng đã được các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nêu ra, kiến nghị tới Bộ Tài chính.

Cụ thể, trong giá cơ sở xăng hiện nay, khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đã được tính theo quy định mới, dựa trên giá tính thuế bao gồm 5 khoản thay vì 2 khoản, tức gồm giá CIF cộng thuế nhập khẩu, cộng chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

So với trước, giá tính thuế tăng thêm 1.650 đồng/lít, trong đó, 1.050 đồng/lít chi phí định mức, 300 đồng/lít lợi nhuận định mức và 300 đồng/lít tiền Quỹ.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng với cách tính này, mỗi lít xăng đã bị đội thêm khoảng 200 đồng/lít.

20160929021919 xang dau 2015 3
Vừa mất 300 đồng/lít để nộp Quỹ, dân vừa phải mất thêm tiền thuế

Tuy nhiên, có một điểm khá vô lý được một số doanh nghiệp nêu ra, tại sao thuế tiêu thụ đặc biệt lại đánh trên cả khoản trích lập Quỹ Bình ổn? Người tiêu dùng bỏ tiền ra để dành trong Quỹ thì giờ, lại phải đóng thêm thuế thu cho chính khoản tiền dự phòng của mình?

Theo Thông tư 130 của Bộ Tài chính ban hành ngày 12/8 hướng dẫn Nghị định 100, khái niệm giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ được xác định là giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và thuế giá trị gia tăng.

Song, khác với ô tô, du thuyền, bia, rượu, thuốc lá, điều hoà nhiệt độ,... là những mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thì giá bán xăng khác biệt ở chỗ có thêm phần trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu - khoảng 300 đồng/lít.

Khoản trích Quỹ này được Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định như một yếu tố cố định cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu - căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ tới người tiêu dùng. Đây không phải là khoản chi của doanh nghiệp trong phân phối lưu thông mà chính là khoản tiền của người tiêu dùng với mục đích dự phòng, được sử dụng trong trường hợp giá xăng dầu có biến động lớn.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, nhấn mạnh, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định mới là nhằm đảm bảo công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, chống chuyển giá. Nhưng với đặc thù mặt hàng xăng, ông Thi bày tỏ quan điểm, giá tính thuế này không nên bao gồm Quỹ bình ổn.

Nói cách khác, thuế tiêu thụ đặc biệt theo quan điểm của Vụ này là không đánh "chồng" lên khoản nộp 300 đồng/lít cho Quỹ bình ổn, tương tự như không đánh "chồng" vào 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường.

Hiện, vụ này cũng đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về vấn đề tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng.

Trên thực tế, việc tính toán, cập nhật lại kết cấu công thức tính giá cơ sở xăng dầu thuộc trách nhiệm của Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính. Đây cũng là đầu mối làm việc với Bộ Công Thương trong tổ điều hành giá xăng dầu.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng, mọi vấn đề liên quan thuế, phí là thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Trước thời điểm đưa ra quyết định mới về phương án giá xăng dầu gửi doanh nghiệp, Bộ Tài chính thông báo về việc áp dụng thuế, Quỹ tới Bộ Công Thương và Bộ Công Thương trên cơ sở đó áp dụng theo.

Với giải thích của ông Hải, có thể hiểu, việc chưa cập nhật, tính thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt cả trăm tỷ đồng ở 3 kỳ điều chỉnh giá xăng đầu tiên hay việc đánh thuế cho cả khoản trích Quỹ bình ổn ở 3 kỳ tăng giá gần đây là Bộ Công Thương dựa theo thông báo từ Bộ Tài chính.

Theo tính toán của Petrolimex, thời điểm ngày 18/8, khoản chênh lệch giữa 2 cách tính này đã là 185 đồng/lít. Khi giá xăng tính chưa chính xác, chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.

Tác giả bài viết: Phạm Huyền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok