Nhà thầu thi công nền đường đoạn tuyến đường bộ ven biển nối Sầm Sơn - Quảng Xương dài 17km - ảnh Phúc Tuấn |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến đề nghị của Bộ KH&ĐT về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Trên cơ sở kết quả thẩm định, UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.
Mới đây, đầu tháng 5/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc đầu tư đầu tư BOT hai đoạn tuyến đường bộ ven biển với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ qua Thanh Hóa, gồm đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia.
Cụ thể, đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với phần vốn ngân sách trung ương; đồng thời hướng dẫn tỉnh Thanh Hóa hoàn thiện hồ sơ trình theo đúng quy định.
Trước đó, tháng 8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Dự án sẽ xây dựng tuyến đường ven biển Hoằng Hóa – Sầm Sơn dài 10,5 km và tuyến Quảng Xương – Tĩnh Gia dài 14,5 km theo quy mô đường cấp III, rộng 12 m, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tuyến đường thuộc phạm vi dự án sẽ đi qua các huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tổng mức đầu tư Dự án là 3.077 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia chiếm 70% (2.154 tỷ đồng), vốn nhà đầu tư tư nhân chiếm 30% (923 tỷ đồng). Nhà đầu tư có trách nhiệm bỏ ra tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu trong phần vốn BOT của Dự án.
UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất phương án cho phép nhà đầu tư thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí đầu cầu sông Mã thuộc địa phận xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, trong thời gian 23 năm. Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2019 – 2023.
Tác giả: L. Chi
Nguồn tin: Báo Giao thông