Trong tỉnh

Thế hệ lãnh đạo 7X Thanh Hóa: Tiếp tục làm nên kỳ tích!

Những thành tựu mà Thanh Hóa đạt được cho đến ngày hôm nay là một kỳ tích. Để tiếp tục kỳ tích ấy, đội ngũ lãnh đạo “Thế hệ 7X” xứ Thanh đang mang trên vai mình trọng trách và sự kỳ vọng lớn lao!

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa; là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”. Các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi.

Tuy nhiên, là địa phương đất rộng, người đông, cái khó, cái nghèo cứ đeo bám đã làm cho các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau và đồng bào các dân tộc xứ Thanh phải tìm mọi cách vượt qua.

Trải qua 90 năm từ ngày Đảng bộ Thanh Hóa được thành lập (29/7/1930-29/7/2020), địa phương này từng bước vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tăng cường thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt sau 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước, Thanh Hóa đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của trung ương để lãnh đạo, điều hành xây dựng và phát triển quê hương, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011-2020 ước đạt 10,3%, trong đó giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,5%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác và phát huy được thế mạnh, tiềm năng của Thanh Hóa. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 229.000 tỉ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc và duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2011- 2020 ước đạt 146.922 tỉ đồng, tăng bình quân hàng năm 17,5%; năm 2020 ước đạt 29.000 tỉ đồng, gấp 5,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 11 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43,5 triệu đồng, gấp 4,3 lần so với năm 2010.

Bãi biển Sầm Sơn là địa điểm du lịch nổi tiếng

Công nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2020 ước đạt 17,2%. Đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn có tác động thúc đẩy kinh tế-xã hội của Thanh Hóa, khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước trong đó lớn nhất là Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỉ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Đến nay nhà máy đã vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và loại hình, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Thanh Hóa; giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2020 ước đạt 6,5%. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao; đến năm 2020 có 8 đơn vị cấp huyện, 68,09% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là một trong các tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước.

Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Thanh Hóa và tăng tính kết nối giữa các tỉnh trong khu vực.

Lĩnh vực văn hóa- xã hội có chuyển biến tiến bộ. Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chính trị- xã hội ổn định, quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phối hợp với các cơ quan trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao…

Kể từ khi có Đảng, trải qua hơn 90 năm, chưa bao giờ khát vọng thịnh vượng lại cháy bỏng trong mỗi người dân xứ Thanh như hôm nay. Bởi lẽ, những năm gần đây Thanh Hóa có bước tăng trưởng đột phá trên nhiều lĩnh vực. Từ chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đến nay Thanh Hóa đã tự chủ được trên dưới 90% ngân sách và phấn đấu bằng mọi cách có thể để chủ động ngân sách vào năm 2021. Vì thế, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông mới đã và đang được đầu tư như Cảng hàng không Thọ Xuân, hệ thống Cảng biển nước sâu Nghi Sơn, Đại lộ Nam sông Mã, đường giao thông nối Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân đến Khu kinh tế Nghi Sơn, hệ thống các tuyến đường vành đai, đường ven biển , các tuyến đường kết nối nội, ngoại tỉnh đã thực sự mở ra cơ hội phát triển kinh tế- xã hội rõ nét cho Thanh Hóa.

Từ một tỉnh thuần nông, những năm gần đây cơ cấu kinh tế của Thanh Hóa chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỉ trọng sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Các công trình dự án lớn có sức lan tỏa như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, dầu ăn Nghi Sơn, các dự án xi măng, giày da liên tục được khởi công xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, đóng góp lớn cho tăng trưởng của Thanh Hóa. Các dự án hạ tầng du lịch của các nhà đầu tư lớn hàng đầu Việt Nam như VinGroup, FLC, Sun Group… lần lượt có mặt tại Thanh Hóa. Các trang trại bò sữa quy mô lớn của Tập đoàn Vinamilk, TH Truemilk, nhà máy chế biến gia cầm hiện đại nhất Việt Nam Viet Avis, cùng các dự án nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư, tạo đà cho Thanh Hóa phát triển mạnh nông nghiệp quy mô ngày càng lớn…

Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa

Kết quả của việc nỗ lực cải cách hành chính, bền bỉ xúc tiến và thu hút đầu tư đã giúp cho Thanh Hóa vượt lên đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư vốn FDI và huy động được tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lớn ở phía Bắc, ở khu vực Bắc Trung Bộ và của Việt Nam trong tương lai gần.

Với tư duy và tầm nhìn mới, Thanh Hóa đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030, với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP đạt 50 tỉ USD gấp 8,4 lần hiện tại; GRDP bình quân đầu người đạt 11.000 USD, gấp 6,4 lần hiện nay trở thành đầu tầu tăng trưởng mới của đất nước. Khát vọng thịnh vượng của người dân và lãnh đạo Thanh Hóa luôn cháy bỏng bởi vùng đất này trải qua những khó khăn gian khổ đã từng bước vượt qua để vươn lên.

Và, những năm gần đây “lưng vốn” ấy là sức mạnh nội lực cùng với sự quan tâm của trên tạo đà cho Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ. Để thực hiện được mục tiêu và khát vọng thịnh vượng lập nên những kỳ tích, cần đội ngũ lãnh đạo với sức trẻ, học hành bài bản, có năng lực hoạt động thực tiễn phong phú.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2020 bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng, chính quyền ở Thanh Hóa đã được kiện toàn hoàn chỉnh, đồng bộ. Thế hệ lãnh đạo hiện nay tuổi đời còn khá trẻ, có thể gọi là “thế hệ lãnh đạo 7X”.

65 Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ Thanh Hóa bình quân tuổi đời chưa đến 50; có 04 ủy viên tuổi dưới 40; tuổi từ 40-50 có 37 ủy viên; tuổi trên 50 có 24 ủy viên. Về chất lượng cấp ủy, trình độ đại học trở lên đạt 100%. Trong đó có 1 phó giáo sư, 11 tiến sỹ, 36 thạc sĩ, 100% ủy viên có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa có 17 ủy viên, chỉ có 04 ủy viên năm sinh từ 1966 đến 1969, còn lại 13 ủy viên sinh năm 1970 đến 1977. Điều đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng sinh năm 1971, Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy Lại Thế Nguyên sinh năm 1970, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và Phó bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh đều sinh năm 1972.

Mục tiêu đã rõ ràng, chương trình hành động cụ thể, với đội ngũ lãnh đạo thế hệ 7X đang “gánh trên vai” sứ mạng cao cả ở một địa phương đất rộng, người đông. Trải qua 90 năm kể từ khi Đảng bộ Thanh Hóa được thành lập, các thế hệ lãnh đạo qua 18 nhiệm kỳ vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, từng bước xây dựng và phát triển như ngày hôm nay - có thể gọi đó là một kỳ tích!

Một lễ hội được tổ chức tại khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa

Bước vào năm mới 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ chính trị “Về phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”- tiền đề và là nguồn lực to lớn để Thanh Hóa sớm hiện thực hóa là cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển kinh tế khu vực phía Bắc (Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh- Thanh Hóa) với khát vọng thịnh vượng.

Tin rằng, thế hệ lãnh đạo 7X cùng với quân và dân các dân tộc Thanh Hóa sẽ làm nên kỳ tích mới!

Tác giả: Cao Ngọ

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

ok