Đầu tháng 9/2017, nhiều mã cổ phiếu của VICEM đã bắt đầu có giao dịch trở lại và tăng giá. |
Ảm đạm, ít giao dịch
Đó là bức tranh về nhóm cổ phiếu ngành xi măng suốt mấy tháng qua. Ngay khi các DN xi măng đã niêm yết trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý II/2017 với 7/9 DN xi măng có kết quả tăng trưởng âm, 1 DN báo lỗ và chỉ có 1 đơn vị tăng trưởng so với cùng kỳ thì cổ phiếu ngành xi măng ngay lập tức lao dốc.
Ghi nhận trên sàn chứng khoán cho thấy, sắc đỏ ngập sàn hầu hết các mã cổ phiếu xi măng suốt tháng 7, tháng 8 vừa qua. Ngay sau khi VICEM Bỉm Sơn (BCC) công bố kết quả kinh doanh quý II/2017 với 1.909 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm, giảm hơn 13% so với cùng kỳ, chi phí tăng khiến BCC thua lỗ 25 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ năm 2016 Cty đạt 119 tỷ đồng lãi ròng thì BCC ngay lập tức lao đầu tụt dốc giảm mạnh, sắc đỏ ngập tràn và nhiều nhà đầu tư bán tháo. Ghi nhận trên sàn cho thấy, ngày 03/7, BCC đóng cửa 15.10 đến 10/8 chỉ còn 10.10 đến 31/8 giá đóng cửa chỉ còn 8.6. Chi phí tăng (chi phí tài chính, chi phí bán hàng… tăng) trong khi doanh thu giảm là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh của VICEM Bỉm Sơn rất tồi tệ.
Không lỗ nặng như VICEM Bỉm Sơn nhưng cũng lãi rất ít, mã cổ phiếu BTS của VICEM Bút Sơn trong tháng 8 rất ít giao dịch. Đầu tháng 9, có giao dịch trở lại và rất may là giá tham chiếu từ 6,9 tăng 0,2% lên 7,1.
Là một trong hai DN lớn nhất thuộc họ VICEM, VICEM Hà Tiên 1 (HT1) ngậm ngùi công bố quý II/2017 lãi ròng giảm. Liên quan đến HT1, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về 6 dự án BOT tại TP.HCM trong đó có dự án BOT Phú Hữu do HT1 làm chủ đầu tư. Thanh tra chỉ ra quá trình triển khai dự án xảy ra nhiều sai phạm lớn như nhà đầu tư không có cam kết hoặc thỏa thuận bằng văn bản với nhà cung cấp vốn vào thời điểm đàm phán hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có nhiều điều khoản không thống nhất, nếu tính theo vốn vay với lãi suất 13,4%/năm và chi phí sử dụng vốn 10%/ năm thì sau 24 năm, dự án không có khả năng hoàn vốn, lỗ 345 tỷ đồng, ảnh hưởng đến việc xác định thời gian thu phí và bàn giao dự án cho cơ quan Nhà nước. Mặc dù HT1 cho rằng dự án BOT Phú Hữu không ảnh hưởng nhiều đến chi phí hoạt động của Cty, ngoại trừ một số điều chỉnh dự toán về chi phí dự án theo hướng dẫn của các cơ quan liên quan. Dự án đã hoàn thành giai đoạn xây dựng và có thể bắt đầu thu phí vào cuối năm 2017.
Có tia sáng vào cuối năm?
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là kết thúc năm 2017, cổ phiếu ngành xi măng trong giai đoạn cuối năm liệu có phục hồi tăng trưởng khi mà thị trường xi măng được dự báo sẽ tiếp tục dư cung và gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm?
Mặc dù bước vào mùa xây dựng, nhu cầu xi măng có tăng nhưng áp lực cạnh tranh cũng sẽ tiếp tục tăng theo do ngành này dư thừa năng lực sản xuất. Từ cuối năm 2016 đến nay, ở khu vực miền Trung hàng loạt các nhà máy mới đi vào hoạt động như Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa), Xi măng Sông Lam (Nghệ An)… tăng thêm 6 - 7 triệu tấn công suất, khiến việc tiêu thụ của VICEM ở khu vực này rất khó khăn.
Do chính sách phân vùng tiêu thụ và gặp phải sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu xi măng nên thị phần của VICEM đã giảm đáng kể. Hiện thị phần của VICEM trong 7 tháng đầu năm 2017 chiếm 35,07, giảm 0,96% so với năm 2015.
Khi việc kinh doanh của VICEM rơi vào thế khó, giảm sút đáng kể thì Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng họp và quyết định thay Tổng giám đốc ở VICEM. Ông Bùi Hồng Minh (sinh năm 1971) là Phó tổng giám đốc Vicem đã lên thay ông Trần Việt Thắng kể từ đầu tháng 9/2017.
Hy vọng việc thay “tướng” sẽ giúp VICEM tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đưa VICEM phát triển, xứng tầm là DN số 1 của ngành xi măng. Ghi nhận cho thấy, bước sang đầu tháng 9, nhiều mã cổ phiếu của họ VICEM đã bắt đầu có giao dịch trở lại và tăng giá.
Tác giả: Vũ Huyền
Nguồn tin: Báo Xây dựng