Giáo dục

Thầy giáo quân hàm xanh ở bản vùng cao Lào Cai

Nhận nuôi các em nhỏ, dạy chữ cho người lớn tuổi, anh Giàng A Trú là thầy giáo đặc biệt của bà con xã Tả Gia Khâu (Lào Cai).

8h tối, trong căn phòng nhỏ ở đồn biên phòng Tả Gia Khâu (Lào Cai), thượng úy Giàng A Trú uốn từng nét chữ cho Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên. Hai em được anh Trú và đồn nhận nuôi từ đầu năm 2017.

“Khoa và Xuyên cách nhau đúng một tuổi. Hai con mồ côi bố, gia đình đặc biệt khó khăn. Các con rất rụt rè, Xuyên thậm chí không biết chữ và tiếng phổ thông khi mới tới. Lần đầu gặp, tôi đã nghĩ ngay đến việc đưa hai con về đồn biên phòng nuôi dưỡng bởi nếu tiếp tục sống với mẹ, các con sẽ không được đi học, thậm chí có thể bị trầm cảm hay tự kỷ”, anh Trú nói.

Anh Giàng A Trú là đội trưởng vận động quần chúng ở Đồn biên phòng Tả Gia Khâu (Lào Cai). Ảnh: Dương Tâm

Tốt nghiệp Đại học Biên phòng năm 2012 với điểm số thuộc loại giỏi, anh Giàng A Trú có nhiều cơ hội làm việc ở thành phố, nhưng quyết định về công tác tại đồn biên phòng Tả Gia Khâu - nơi được coi là "Trường Sa trên núi" vì đến nay người dân vẫn phải dùng 100% nước mưa sinh hoạt.

Là đội trưởng vận động quần chúng, ngoài bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc, anh Trú còn làm nhiệm vụ dạy chữ xóa mù cho bà con.

Thực hiện chương trình Nâng bước em tới trường do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai phát động, anh Trú đã tham mưu, phối hợp với địa phương và các trường học khảo sát, lựa chọn học sinh có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Riêng với Khoa và Xuyên, anh đề xuất đơn vị nhận nuôi và đưa đón các cháu tới trường.

Để vận động Khoa và Xuyên đến ở đồn biên phòng, anh phải mất nhiều thời gian. "Ban đầu, hai con nhất định không chịu xa mẹ, không chịu ở cùng bộ đội. May mắn cùng họ Giàng với mẹ của hai con, tôi đã nghĩ ra cách nhận là cậu ruột với hy vọng được các con tin tưởng", anh Khoa kể.

Qua nhiều lần đến nhà thuyết phục và trò chuyện, cuối cùng hai em cũng tin rằng anh Trú là cậu ruột của chúng và theo về đồn biên phòng sống. Ở đây, hai em được ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ đúng giờ và đi học đều đặn.

Sau gần một năm, hai anh em đã biết đọc, biết viết, biết chào hỏi và dần quen với môi trường quân ngũ. "Năm học 2016-2017, Khoa và Xuyên đạt học lực khá, hạnh kiểm tốt. Giáo viên đánh giá hai con tiến bộ rõ rệt trong học tập và rèn luyện. Đó là niềm hạnh phúc của tôi", thượng úy người Mông chia sẻ.

"Cậu Trú tốt lắm. Tối nào cũng dạy con học. Lớn lên nhất định con sẽ trở thành chiến sĩ giỏi như cậu Trú", Khoa nhìn lên bộ quân phục màu xanh treo ở góc phòng và nói. Cuối tuần, hai em được cậu Trú đưa về nhà thăm mẹ.

Anh Giàng A Trú nhận làm cậu ruột để thuyết phục Ma Seo Khoa (giữa) và Ma Seo Xuyên đến ở đồn biên phòng. Ảnh: Dương Tâm

Ngoài chăm sóc Khoa và Xuyên, anh Trú còn dạy học, xóa mù chữ cho bà con ở Tả Gia Khâu. Công việc này cũng khó khăn như việc vận động hai em đến ở đồn biên phòng. Phần vì đường đồi núi xa xôi, hiểm trở, phần vì người dân ở đây rất ngại khi gặp người lạ bởi "họ hay xấu hổ”.

“Bà con không nhìn ra ý nghĩa của việc học chữ nên không muốn học. Khi thuyết phục được họ đến học, họ lại bỏ giữa chừng”, anh Trú nói và cho biết phải thường xuyên đưa ra những ví dụ thực tế như biết chữ sẽ được đi xa mà không phải hỏi đường, biết ký tên để không phải điểm chỉ. Khi thấy những lợi ích trực tiếp, họ mới chăm chỉ đến lớp.

Anh Trú chia sẻ tuy lớp học không duy trì được 100% sĩ số nhưng lúc nào cũng được 70%, khi đông nhất là 90%. Ngoài những lúc đến điểm trường dạy bà con, anh cùng đồng đội thường xuyên thăm hỏi, tặng quà để mối quan hệ quân dân thêm gắn bó.

Anh Nguyễn Hải Quân, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tả Gia Khâu, đánh giá anh Giàng A Trú là cán bộ gương mẫu. "Anh Trú rất trách nhiệm, năng nổ trong công tác vận động quần chúng. Với đồng đội, anh Trú sống tình cảm, được các anh em trong đơn vị quý mến", anh Quân nói.

Năm 2017, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô nhằm tuyên dương gương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường, xóa mù chữ ở vùng biên giới, hải đảo. Anh Giàng A Trú là một trong những chiến sĩ được tuyên dương.

Chương trình được triển khai trong năm năm (2015-2019). Hai năm 2015 và 2016, chương trình đã vinh danh hơn 100 giáo viên cắm bản, cắm đảo, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy.

Tác giả: Dương Tâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok