Từ ngày 01/8/2017 khi các trường đại học và cao đẳng đồng loạt công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào trường, đã hai tuần trôi qua nhưng dư luận xã hội vẫn chưa hết ngạc nhiên, lo lắng, vui, buồn lẫn lộn.
Ngạc nhiên vì đây là năm đầu tiên có học sinh đạt hơn 29, 30 điểm vẫn trượt đại học. Lo lắng vì điểm chuẩn đầu vào của các trường sư phạm thấp, số lượng học sinh xác nhận nhập học ít, không đạt chỉ tiêu tuyển sinh.
Buồn vì điểm chuẩn đầu vào thấp (3 điểm/môn tức là kết quả của học sinh yếu) lại vào học các trường sư phạm, sau này sẽ là thầy giáo, cô giáo dạy học sinh thì chất lượng giáo dục trong tương lai sẽ ra sao.
Một số tác giả bài viết và không ít độc giả đã mặc định chất lượng đầu vào thấp hình như do lỗi của các trường sư phạm đưa ra tiêu chí điểm chuẩn thấp, chất lượng giáo dục đang có vấn đề...
Cũng có tác giả chia sẻ nếu lấy “Điểm chuẩn cao thì trường sư phạm lấy đâu sinh viên mà dạy? Hoặc có tác giả mơ ước: “Bao giờ điểm chuẩn sư phạm được như các trường công an, quân đội?”.
Nhân dịp này, nhiều cơ quan báo đài đến phỏng vấn các nhà quản lý của các trường sư phạm vì đâu điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sư phạm lại thấp mà vẫn không đạt được chỉ tiêu tuyển sinh?...
Là một giảng viên công tác tại trường sư phạm, tôi cũng như nhiều bạn đọc khát khao có nguồn tuyển sinh dồi dào để lựa chọn được những học sinh có kết quả học tập tốt, thuận lợi cho công tác giảng dạy và nâng chất lượng đào tạo của trường sư phạm; cũng không khỏi buồn và quan ngại khi ngày nay học sinh không thiết tha vào học tại các trường sư phạm, nguồn tuyển học sinh đầu vào thấp điều này sẽ gây khó khăn cho công tác dạy và học tại trường sư phạm.
Bởi thực tế năm nay các trường đại học sư phạm top đầu, một số ngành cũng chỉ lấy điểm sàn 15.5 nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Nhưng điều này không có nghĩa chất lượng đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra cũng sẽ thấp.
Bởi lẽ kết quả đầu ra của các trường sư phạm là kết quả đầu vào cộng với quá trình đào tạo. Trong đó kết quả đầu vào chỉ là điều kiện, còn quá trình đào tạo ở trường sư phạm mới quyết định chất lượng đầu ra.
Vì vậy, để đạt được mong muốn học sinh có kết quả học tập cao đăng kí vào học tại các trường sư phạm cần có những giải pháp căn bản, toàn diện về cơ chế và những hoạch định chính sách xã hội cụ thể không phải chỉ biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại các trường sư phạm. Vì vậy để chất lượng tuyển sinh các trường sư phạm tăng sự hấp dẫn và chất lượng thì cần có những giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách thu hút đồng bộ không chỉ đối với sinh viên học các trường sư phạm mà cả với giáo viên (ngoài việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần tạo sự ổn định đầu ra, sinh viên sư phạm tốt nghiệp được bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo với thu nhập cao hơn mức lương công chức thông thường và các điều kiện làm việc khá ổn định)
Thứ hai, cần có chiến lược cụ thể cho chỉ tiêu đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tế, tránh tình trạng như hiện nay thừa thầy, thiếu thợ. Hay nói một cách khác cần có những khảo sát, đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng giáo viên trong tương lai để giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm phù hợp.
Thứ ba, cần coi trọng khâu dự báo nhân lực thường xuyên, đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của xã hội, tránh lãng phí thời gian, kinh phí của Nhà nước và nhân dân.
Thứ tư, tổ chức phân luồng đào tạo theo đúng chức năng nhiệm vụ: Trường đại học đào tạo trình độ đại học, trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng, tránh chồng chéo đại học đào tạo cả cao đẳng, làm cho các trường cao đẳng không có cơ hội tuyển sinh.
Tác giả: Vương Luận
Nguồn tin: Báo Dân trí