Số tiền gửi ở các ngân hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng
Ban Quản lý dự án (QLDA) Công trình liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn (Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) trực thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Ban QLDA được giao quản lý đầu tư và xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ sở phục vụ dự án Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước gần 5.000 tỷ đồng.
Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn |
Theo phản ánh, Ban này đã gửi số tiền rất lớn ở các ngân hàng để lấy lãi, trong đó có 2 ngân hàng là MB Bankchi nhánh Thanh Hoá và Ocean Bank Thanh Hoá. Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Trần Khắc Hiệp - Trưởng ban QLDA khẳng định: Ban không sử dụng tiền Nhà nước để gửi mà Ban được tập đoàn uỷ quyền làm dịch vụ cho công ty liên doanh. Dòng tiền trên là tiền dịch vụ của nhà thầu, trong quá trình làm thủ tục chờ thanh toán, Ban QLDA có gửi số tiền này vào ngân hàng.
Số tiền lãi theo ông Hiệp “nằm trong sổ, phục vụ tập thể và mục đích công việc, có khoản có chứng từ, có khoản không. Chúng tôi không tự ý chi tiêu và sẽ báo cáo”.
Về số tiền gửi cụ thể, ông Hiệp nói không nhớ nhưng mang máng khoảng 10 đến 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tại hợp đồng ngày 3/4/2014 với MB chi nhánh Thanh Hoá số tiền gửi đã lên tới 30 tỷ đồng, một hợp đồng khác là 20 tỷ. Một hợp đồng khác cũng ký ngày 3/4, số tiền đến 50 tỷ... Chỉ riêng tổng số tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng này lên đến khoảng 150 tỷ đồng. Tại Ocean Bank chi nhánh Thanh Hoá, số tiền gửi vào (ngày 6/11/2014) là 30 tỷ đồng.
Trong một báo cáo gửi Tập đoàn vào giữa năm 2016, ông Trần Khắc Hiệp cho biết, tiền tập đoàn cấp về Ban Quản lý theo kế hoạch và tiến độ thực hiện công việc, theo quy định trước ngày 25 hàng tháng Ban phải có văn bản báo cáo Tập đoàn việc sử dụng nguồn tiền đã cấp tháng trước, dự tính kế hoạch sử dụng vốn cho tháng tiếp theo, đảm bảo số dư không vượt quá 25%. Đến nay Ban không vi phạm và tuân thủ đúng quy chế quản lý và cấp vốn của Tập đoàn cho đơn vị. Số tiền lãi ngân hàng được kết dư cho đến nay là hơn 10,6 tỷ đồng. Khoản tiền lãi này là khoản công nợ giữa Ban quản lý với Tập đoàn và hằng năm đều được kiểm tra, đối chiếu.
Chi tiêu tràn lan trong khi người lao động kêu bị “tận thu”
Tại bản báo cáo giải trình gửi cơ quan kiểm toán, ông Trần Khắc Hiệp cũng cho biết, năm 2015, Ban quản lý dự án chậm nộp tiền thuế giá trị gia tăng quý 4-2014 với số tiền hơn 8,6 tỷ đồng, chậm so với hạn nộp 265 ngày, nếu theo quy định của Nhà nước sẽ bị phạt hơn 1,152 tỷ đồng nhưng “Ban quản lý đã làm việc với với cơ quan thuế và đánh giá sẽ không bị phạt chậm nộp” (!).
Ông Trần Khắc Hiệp - Trưởng ban Quản lý dự án Công trình liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn (nghỉ hưu từ tháng 11-2017) |
Trong hồ sơ vụ việc, tại phần sổ ghi chép “quỹ đen” của Ban Quản lý này bộc lộ rất nhiều vấn đề thất thường. Riêng khoản tiền mua cổ phiếu của PVC Thanh Hoá các cá nhân còn nợ hơn 3,8 tỷ đồng, trong đó ông Thuyết nợ 1,89 tỷ, ông Lê Xuân Hoàng (Kế toán trưởng Ban quản lý) nợ 1,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể ông Hoàng còn vay cá nhân từ quỹ 6,5 tỷ đồng từ nguồn thu hồi tiền mua cổ phiếu còn để ngoài quỹ. Trong khi đó, cá nhân ông Hoàng còn nợ quỹ 3,5 tỷ đồng, chưa kể nợ cũ hơn 2,9 tỷ đồng.
Một bản ghi chép cũng thể hiện nhiều khoản thu chi rất lạ lùng như: “S Hoàng (s- sếp – PV) mượn quỹ đưa S Hiệp 1 tỷ đồng”, 4/8/2016 S Hoàng mượn quỹ đưa S Hiệp (CA Thanh Hoá) 1,5 tỷ đồng...
Ở mục khoản chi khác được ghi là phục vụ một đoàn thanh tra, số tiền chi “phong bì” cho đoàn lên tới hơn 100 triệu đồng. Có lúc, phần ghi thể hiện ứng để nộp phạt cho thuế Thanh Hoá 170 triệu đồng, “phong bì cho các sở, ban, ngành 299 triệu đồng”.
Đặc biệt, trong những ghi chép còn thể hiện nội dung “14/2/2015, S Hoàng mượn quỹ đưa S Hiệp thưởng cho LĐ phòng ban 200 triệu đồng; 18/8/2015 sinh nhật lãnh đạo Tập đoàn (S Hồng, S Dũng): 25 triệu đồng; 31/8/2015: Chi sinh nhật Tổng giám đốc 20 triệu đồng; 7/3/2016: Chú Hoàng lấy mừng Tân Tổng giám đốc 10 triệu đồng).31/3/2016: Chú Hoàng lấy đi làm việc ở Tập đoàn: 30 triệu đồng.
Phần tổng cộng đã chi chưa thanh toán cho thấy một con số khủng lên tới hơn 3,1 tỷ đồng.
Tại một trang khác ghi nội dung: “4/4/2012: A Hoàng vay cho A Hiệp (a - anh Hoàng, anh Hiệp - PV) đám ma nhà ông Quỳnh: 50 triệu đồng “; 1/7/2013:A Hoàng vay cho anh Hiệp sinh nhật chị Bình PTGĐ: 20 triệu đồng”.
Việc sử dụng quỹ phúc lợi, tiền điện nước, tiền khen thưởng, san lấp mặt bằng, nạo vét… cũng có nhiều điểm không rõ ràng. Theo phản ánh tiền tặng quà cho các cá nhân dịp Tết 2016 khoảng 165 triệu đồng; tổng kết san lấp hoàn thiện 360 triệu đồng; thưởng hoàn thành san lấp từ nguồn khen thưởng năm 2013 là hơn 800 triệu đồng; tổng kết nạo vét BoQ2 khoảng 420 triệu đồng, ban quản lý lập hợp đồng ăn uống hàng tháng với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng trong khi cán bộ công nhân viên không tham gia…
Trong khi Ban Quản lý có số tiền lãi lớn từ nguồn cho vay và chi tiêu khá tuỳ tiện như vậy nhưng nhiều cán bộ, nhân viên đã kêu ca việc phải nộp nhiều khoản thu vô lý như thu tiền nhà, tiền điện, thu thêm tiền nước sinh hoạt từ khu nhà tạm tại dự án, trong đó mức thu tiền nhà là 300 nghìn đồng/ người/tháng. Một bản kiến nghị gửi Tập đoàn của người lao động cũng kêu nguồn quỹ phúc lợi “lúc âm lúc dương”...
Cũng tại bản báo cáo gửi Tập đoàn vào tháng 7-2016, ông Trần Khắc Hiệp cho biết, theo Quyết định số 6547/QĐ-DKVN ngày 24-9-2014 của Hội đồng thành viên Tập đoàn thì Tập đoàn quyết định trích hơn 861 triệu đồng theo Nghị định 44 cho Ban quản lý dự án thưởng trên công trình dự án trọng điểm nhưng đến giữa năm 2016 Tập đoàn vẫn chưa chuyển “nên Ban chưa đủ điều kiện thực hiện một cách tương xứng cho người lao động như tinh thần Quyết định số 6547/QĐ-DKVN nói trên”.
Bản phụ lục của báo cáo cũng cho biết, số dư quỹ khen thưởng phúc lợi ngày 1-1-2015 của Ban là hơn 1,079 tỷ đồng trong đó, số tiền tập đoàn chưa cấp năm 2013 là hơn 83 triệu đồng, năm 2014 là hơn 1,154 tỷ đồng.
Số quỹ khen thưởng phúc lợi năm 2015 dự kiến hơn 2 tỷ đồng nhưng Tập đoàn cũng mới tạm cấp 1 tỷ đồng.
PVN chậm làm rõ, công bố kết quả thanh kiểm tra
Liên quan đến sự việc “quỹ đen” nêu trên, ông Trần Khắc Hiệp thừa nhận với báo chí rằng Cơ quan công an C46 cũng đang vào cuộc xác minh sự việc. Tuy nhiên đến nay, những thông tin về dấu hiệu sai phạm vẫn chưa được làm rõ và công bố.
Liên quan tới sự việc, phóng viên Báo Công lý đã nhiều lần liên hệ với đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị xác minh một số thông tin cũng như tiếp tục thông tin kết quả xử lý sau kết luận Thanh tra của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về sai phạm tại dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 cũng như một số nội dung phản ảnh liên quan tới các ông Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Vũ Trường Sơn...nhưng phía PVN vẫn lòng vòng, né tránh, không có phản hồi thoả đáng về các sự việc.
Theo thông tin từ PVN, hiện ông Trần Khắc Hiệp, Trưởng ban quản lý dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nghỉ hưu từ tháng 11/2017. Ông Võ Song Hà, nguyên Phó ban lọc dầu Dung Quất được luân chuyển thay vị trí của ông Hiệp nhưng vẫn đang có những vướng mắc trong vấn đề bàn giao tài chính của ban.
Đề nghị lãnh đạo PVN sớm công khai kết quả thanh, kiểm tra đối với Ban QLDA lọc hóa dầu Nghi Sơn, làm rõ các sai phạm và chuyển cơ quan chức năng xử lý kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật.
Tác giả: Mạnh Thắng
Nguồn tin: Báo Công lý