Chiều 17-9, hàng trăm bạn trẻ cầm chảo tụ tập trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) la hét, vác chảo chạy lòng vòng trên phố, chạy quanh tòa nhà Bitexco và trở lại phố đi bộ.
Được biết, trò này mô phỏng hoạt động trong một game online hành động, ở đó nhân vật phải đi tìm một chiếc chảo để làm bia đỡ đạn. Sau đó, một sự kiện được tạo lập trên Facebook mang tên "Cầm chảo chạy quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ", thu hút hơn 14.000 người quan tâm và hơn 2.400 người đăng ký tham gia.
Xả stress, giảm căng thẳng
Hành động của các bạn trẻ trên nhận được không ít lời chỉ trích, cho rằng quá tào lao, nhảm nhí, "sống không có mục đích", "nếu có thời gian, các bạn trẻ nên giúp ích cho xã hội như đi nhặt rác làm sạch đường phố, giúp những bệnh nhân, người già neo đơn… thay vì làm việc vô bổ như vậy"...
Nói về sự việc này, ThS chuyên gia tâm lý Trần Văn An cho rằng nếu qua vài hành động mà đánh giá các bạn trẻ như vậy là quá khắt khe. "Xét một cách khách quan, ý nghĩa việc cầm chảo ít nhiều giúp các bạn trẻ bước ra từ màn hình game sang cuộc sống thật, từ đó kết nối với nhau. Việc này không ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà chỉ là một hành động xả stress, giảm bớt căng thẳng" - ThS An nói.
ThS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường ĐH Văn Hiến, cũng cho rằng những sự kiện được tạo lập trên Facebook dù diễn ra thực sự hay không cũng giống như những cây nấm tự mọc sau mưa, không thể dùng một vài hành động, hoạt động như thế để quy kết giới trẻ là đúng hay không đúng.
Từ thực tế làm công tác tư vấn học đường tại các trường THPT, nhiều giáo viên nhìn nhận hiện nay học sinh rất ít chịu làm theo những lời khuyên bảo của người lớn, của giáo viên mà có xu hướng làm ngược lại. Cô Nguyễn Thị Mỹ Thu, giáo viên tư vấn học đường Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho biết trong thế giới của những người trẻ hiện nay, điều gì cũng có thể xảy ra do họ có điều kiện tiếp xúc với các luồng văn hóa khác nhau. Họ không cần quan tâm đến các vấn đề đó, tư tưởng đó có ảnh hưởng gì, mang lại giá trị gì mà chỉ cần thích là được. Vậy nên, thích cái gì, họ làm cái đó, nhất là với sự phát triển của mạng xã hội, họ có thể bất chấp để được nổi tiếng, được chú ý, được thể hiện cá tính của mình. Với người khác có thể là không tốt nhưng với họ, chỉ cần được thể hiện cái tôi mạnh mẽ, khác người là được.
"Muốn hiểu giới trẻ, hiểu những hành động của người trẻ, không còn cách nào khác là đặt mình vào chính họ để hiểu và lý giải" - cô Thu chia sẻ.
Các bạn trẻ tham gia trò chơi cầm chảo chạy quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ chiều 17-9. (Ảnh Facebook Duong Le) |
Thiếu sân chơi
Theo nhiều chuyên gia, từ sự việc trên và nhiều sự việc khác diễn ra thời gian gần đây như "Đẩy người yêu cũ xuống sông Sài Gòn", "Hôn người lạ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ", "Mang theo gối ôm ra phố đi bộ đại chiến"…, phải thấy rõ rằng hiện ở các trường học, không những ở bậc phổ thông mà cả ĐH, những sân chơi thu hút học sinh, sinh viên rất hiếm do hình thức tổ chức nghèo nàn, không có thời gian, phương tiện. Trong khi đó, nhiều người trẻ hiện nay rất cô đơn vì không thể và không có thời gian chia sẻ được với người thân. Vì thế, những sự kiện ảo, những người bạn ảo trên mạng có sức thu hút dữ dội với họ.
"Qua câu chuyện này, cần nhìn nhận lại hoạt động và cách tổ chức của các CLB đoàn, hội, đội, nhóm của các đoàn thể chức năng chưa ấn tượng, thu hút bạn trẻ do chưa cập nhật theo hướng mới mẻ khiến nhiều bạn trẻ thấy cũ kỹ, nhàm chán. Đơn cử xem trên các fanpage của các CLB thuộc Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM số lượt các bạn trẻ bấm nút like, tham gia sự kiện chỉ dừng ở con số vài trăm người. Tôi nghĩ TP cần tạo ra nhiều sân chơi gần gũi, "đời" hơn, phù hợp với tính cách hiện nay của người trẻ" - ThS An nêu ý kiến.
Trong khi đó, anh Trần Thanh Tùng, chủ thương hiệu cà phê MIB, cho biết để thu hút giới trẻ đến quán, anh thường xuyên tổ chức, kêu gọi các bạn trẻ áp dụng các trào lưu mới, trào lưu "sống ảo". "Tính cách của người trẻ hiện nay thích nổi loạn, thích thể hiện cá nhân khác thường. Dĩ nhiên, nhìn con số 2.400 đăng ký tham gia cầm chảo nhưng thực tế chỉ có hơn trăm người đến đúng hẹn. Như vậy, trào lưu ảo vẫn chỉ là trào lưu ảo và các bạn trẻ tham gia chỉ để cho vui rồi ngưng hẳn" - anh Tùng đánh giá.
Anh Tùng không đồng tình việc so sánh trào lưu ảo với những hoạt động của các CLB đoàn thể khác vì các CLB này mang tính chất đời thật, bền vững hơn. Việc cầm chảo chỉ thu hút 2-3 lần rồi sẽ không còn đông đảo người tham gia cũng giống như trò Pokemon Go từng gây xôn xao.
"Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ thiếu nhận thức, dễ bị lợi dụng, lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật, như vụ hẹn nhau đánh ghen ở phố đi bộ Nguyễn Huệ năm 2015. Tôi nghĩ các bạn trẻ khi tham gia sự kiện gì cần phải tỉnh táo và hiểu biết pháp luật để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc" - anh Tùng bày tỏ.
Ở góc độ pháp luật, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM) cũng lo ngại người trẻ bị lợi dụng, xách động, vi phạm pháp luật.
"Trong sự kiện "tung chảo", thành phần tham gia có nhiều thiếu niên, nhận thức pháp luật còn hạn chế, thấy vui, lạ thì tham gia. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm, biết được con mình đi đâu, làm gì để ngăn chặn kịp thời các em có những hành vi vi phạm pháp luật mà không biết. Ngoài ra, vì thời buổi công nghệ cao, chúng ta cũng cần phải thay đổi tư duy trong cách tổ chức, đổi mới phương pháp tạo ra được các phong trào, sân chơi có ích cho cộng đồng thông qua các kênh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, đánh vào xu hướng, tâm lý mà đông đảo giới trẻ quan tâm, hướng tới để thu hút họ tham gia" - luật sư Nữ bày tỏ.
Người trẻ nghĩ gì? Hoàng My (quản lý một quán cà phê tại quận 3, TP HCM) thẳng thắn cho rằng chẳng qua đây là hoạt động vui chơi của người trẻ, hãy cứ để mọi việc được diễn ra tự nhiên thay vì theo nguyên tắc phải chơi thế nào, kết bạn với ai. "Sau những giờ học hoặc làm việc quá mệt mỏi, người trẻ cần một sân chơi vui vẻ, năng động chứ không phải những hoạt động được định hướng sẵn bởi nếu chơi cũng phải định hướng thì còn gì gọi là chơi nữa. Quan trọng là biết điểm nào thì dừng, không làm điều phạm pháp" - Hoàng My bày tỏ. Còn theo H.Châu (sinh viên năm nhất một trường ĐH tại TP HCM), nhiều khi bạn và những người bạn khác biết là xàm xàm, hài hài nhưng thấy lạ, vui nên đăng ký tham gia. Mục đích cuối cùng cũng chỉ để cho vui. Bạn đọc Tùng Minh thì cho rằng tuổi trẻ ham vui và năng động, nếu những hoạt động vui vẻ mà không gây hại gì đến cộng đồng thì cũng không nên đả kích hay xét nét. "Nhìn ở khía cạnh tích cực, chúng ta thấy các bạn có tinh thần tập thể, dám thể hiện mình, từ những trào lưu "nhảm", chúng ta có thể định hướng cho các bạn trẻ tạo ra những hoạt động mang ý nghĩa cho xã hội" - bạn Minh nhận định. |
Tác giả: Đặng Trinh - Lê Phong - Trường Hoàng
Nguồn tin: Báo Người lao động