Từ một trạm xá bỏ trống...
Để nâng cao hiệu quả của Trạm y tế phường 11, UBND quận 3 đã đồng ý cho Công ty cổ phần Y tế Việt Anh đầu tư sửa chữa, mua thêm trang thiết bị, máy móc và tăng cường 4 bác sĩ về khám, chữa bệnh tại đây. Các trang thiết bị y tế hiện đại đã được đầu tư cho trạm như máy sinh hóa, huyết học, miễn dịch, vi sinh, sinh học phân tử; máy xét nghiệm phát hiện các tác nhân vi rút, vi khuẩn gây bệnh như vi khuẩn lao, vi rút sốt xuất huyết, vi rút gây bệnh tay chân miệng, vi rút viêm gan B, vi rút viêm gan C... Đáng chú ý có một số trang thiết bị thường chỉ có ở bệnh viện lớn cũng được đầu tư như máy xét nghiệm phát hiện vi rút HPV; xét nghiệm tầm soát hầu hết các bệnh ung thư, bệnh di truyền...
Trạm y tế phường 11, quận 3 tiếp nhận bệnh nhân đến khám. |
Sau 3 tuần hoạt động theo mô hình mới, mỗi ngày Trạm y tế phường 11 đã tiếp nhận trên 30 bệnh nhân đến khám bệnh. Giá khám bệnh cũng được giữ ở mức thấp nhất với dịch vụ khám thông thường quy định là 80.000 đồng/lượt, khám chuyên khoa 90.000 đồng/lượt và khám chuyên sâu tư vấn 100.000 đồng/lượt. Đây là mức giá áp dụng chung cho người dân khám bệnh trong giờ hành chính và ngoài giờ. Đáng nói là trước đó, Trạm y tế phường 11 hầu như không có người bệnh đến khám vì cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu bác sĩ.
Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh thống kê trong năm 2016, trong tổng số 322 trạm y tế xã, phường có 70 trạm y tế ở khu vực nội thành đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT nhưng không hề có bệnh nhân đến khám. Trạm y tế phường 11 thuộc danh sách 70 trạm kể trên. Tuy nhiên ở thời điểm này, theo ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm y tế phường 11: "Trước đây do không có người dân đến khám, chữa bệnh nên chúng tôi không triển khai BHYT. Với số lượng bệnh nhân đang tăng lên từng ngày thì trạm sẽ triển khai khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT để người bệnh được hưởng quyền lợi như ở các cơ sở y tế khác".
Theo đánh giá của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ lúc được đầu tư xã hội hóa, Trạm y tế phường 11 (quận 3) vẫn giữ được chức năng theo quy định của Bộ Y tế như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh cho gia đình chính sách. Ông Phan Quốc Việt, Công ty cổ phần Y tế Việt Anh nhận định, trước mắt mô hình này sẽ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở, về lâu dài sẽ thay đổi nhận thức của người dân về hình ảnh trạm y tế xã, phường.
Sớm nhân rộng mô hình
Sau dự án xã hội hóa Trạm y tế phường 11, chính quyền quận 3 muốn nhân rộng ra hệ thống trạm y tế các phường trên địa bàn. Theo ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3, địa bàn quận có 14 trạm y tế nhưng chỉ có 7 bác sĩ. Kinh phí chi thường xuyên cho các trạm đã tốn trên 10 tỷ đồng/năm nhưng nguồn thu chỉ đủ trang trải một phần. Để nâng cấp chất lượng cơ sở trạm y tế phải cần 20 tỷ đồng/trạm. Đây là việc rất khó thực hiện nếu không kêu gọi hợp tác công - tư.
Tuy nhiên, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia nâng cấp hệ thống y tế cấp xã, phường không đơn giản. Khi đưa ra chủ trương thí điểm triển khai xã hội hóa Trạm y tế phường 11, UBND quận 3 đã phải mời gọi 20 doanh nghiệp tham gia nhưng hầu hết đã từ chối vì đây được xem là sự đầu tư mạo hiểm. Thực tế này xuất phát từ việc nhiều bệnh viện tư nhân ở TP Hồ Chí Minh hiện đang thua lỗ và phải đóng cửa, hoặc xin phép chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Trước thực trạng trên cho thấy, Nhà nước cần nghiên cứu và có giải pháp hỗ tr ợ doanh nghiệp để việc xã hội hóa đầu tư trạm y tế đạt hiệu quả, thực chất. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sắp tới ngành Y tế thành phố sẽ sớm ban hành quy chế, quy định cụ thể về phối hợp công - tư trong xây dựng mô hình trạm y tế để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Tác giả: Tuệ Diễm
Nguồn tin: Báo Hà Nội mới