Cô giáo đầu tiên của đời tôi là cô Hào, dạy tôi mẫu giáo. Hồi ấy mẹ tôi làm ở Liên hiệp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa, mà các cơ quan thời ấy đều có nhà trẻ và mẫu giáo, tự cung tự cấp mà.
Khoe tí là từ hồi ấy tôi đã có thể đọc được các chữ cái trên khẩu hiệu trên tường và tít báo Nhân Dân. Mẹ tôi coi chuyện ấy cũng là thường nên chả lấy gì làm sung sướng chứ như giờ có khi tôi thành... thần đồng mất. Cô Hào không phải là giáo viên chuyên nghiệp, chẳng qua là cô biết múa hát nên cơ quan giao cho cô giữ và dạy các cháu. Hồi ấy tôi thấy cô Hào của tôi là đẹp nhất, thi thoảng chửi nhau với bọn lớp khác, chúng lôi cô Hào của tôi ra chửi là tôi tức lắm.
Ngay thằng em tôi, bé tí đang còn nói ngọng nhưng tức tôi điều gì là nó lôi “gào gào” ra chửi. Sau này khi đang học đại học ở Huế, một lần ra lại Thanh Hóa, tôi gặp lại cô Hào đang bán ở hiệu sách nhân dân thị xã. Tôi nhận ra cô vì bao nhiêu năm cô gần như không đổi, vẫn xinh đẹp thế (là trong tôi chứ thực ra thì cô hơi... đen và lấy chồng khá muộn). Tôi lại gần chỗ cô đang đứng bán ở quầy bảo cháu chào cô và lạ không, ngần ngừ một lúc thì cô cũng nhận ra tôi, cái thằng bé như cái kẹo, suy dinh dưỡng, chân như que nhang thời nào (cô nhắc lại khi mẹ dẫn tôi đi nạo ve - a, cô đi phía sau và nghe chú bác sĩ bảo chân cái thằng kia như chân chim chích mà nó cứ chạy nhảy thế kia). Cô bảo tôi lớn và... đẹp trai không ngờ.
Cô khoe cô mới đẻ 1 đứa, nó 3, 4 tuổi gì đấy, đưa về bà nội lên cứ bảo con bị bổ ngã (tiếng nông thôn lẫn thành thị). Hồi ấy đang sinh viên, cũng lơ ngơ, đứng nói chuyện với cô một lúc rồi đi, chả có gì tặng cô và cũng không mua gì cho cô dù rất muốn làm một điều gì đó với cô. Nhưng đến giờ cô vẫn là thần tượng của tôi, khi có ý định viết về những thầy cô của mình, cô là người tôi nhớ đầu tiên, dù bây giờ tôi không thể biết cô đang ở đâu, cái lứa nhóc tì chúng tôi hồi ấy bây giờ cũng chả ai biết ai nên chuyện tìm cô như mò kim đáy bể, dù tôi gần đây ra Thanh Hóa liên tục.
Tác giả với thầy Vĩ (giữa) và bạn học cấp 3 tại nhà thầy. |
Sau cô Hào thì tôi đi sơ tán, về một làng nào đó bên đê sông Mã của huyện Thiệu Hóa và tôi đi học vỡ lòng với một ông giáo làng, ông chuyên quần nâu lá tọa áo bà ba cũng nâu và râu rất dài. Ông quật roi bọn học trò đen đét trừ tôi, vì tôi học giỏi, những gì ông dạy tôi biết hết rồi và vì tôi là dân thành phố sơ tán về nữa, ông có vẻ nể chứ tôi cũng nghịch ngầm không tả được và cũng hay bị bọn trong lớp đánh, chắc như bây giờ gọi là cái tội... chảnh. Ông hay giao tôi đọc bài chính tả cho bọn trong lớp chép. Chúng nó đứa nằm đứa ngồi, bò xoài bò xoải ra trên nền gạch để viết. Cái lớp này là tự phát, cha mẹ đóng tiền rồi đưa con đến nhà thầy để biết mặt chữ rồi vào lớp 1.
Học trò nhỏ nhưng đã biết phân biệt. Thường là thích cô hơn thầy, cô nào hiền mà lại xinh nữa thường là học trò rất quý. Chúng tôi quý cô Gái dạy lớp 2 là vì thế. Hồi này chiến tranh, học sơ tán, lớp là hầm. Lũ chúng tôi rất khoái đi... đón cô giáo. Cô ở làng khác, đi bộ dạy mất khoảng tiếng. Chúng tôi đến sớm rồi kéo một lũ đi đón cô. Thường là đến nửa đường thì gặp thế là lại lồng nhồng quay về, vừa đi vừa chuyện trò rất vui, có vẻ cô cũng rất thích được chúng tôi đi đón như thế. Đê sông Mã, chúng tôi thấy cô từ xa và chạy ùa đến, cô cũng đi nhanh hơn và cười rất tươi.
Đến lớp cô cảm ơn chúng tôi và bảo bữa sau đừng đi đón nữa vì nắng và mệt - chúng tôi học buổi chiều, đặc biệt là lỡ máy bay ném bom thì cô sẽ có lỗi. Cô nói nhưng khuôn mặt rất tươi, rồi vào học thì như thường lệ, tôi lại là đứa đọc và kiểm tra chính tả cho lớp. Những lần được cô gọi lên tôi rất khoái và khoái nhất là sau đó cô vuốt má một cái. Sau này mới biết, học trò nam thường rất ngưỡng mộ cô giáo và ngược lại.
Thậm chí có điều gì đó mong manh như... tình yêu nữa. Lên lớp 3 không hiểu sao cô giáo chủ nhiệm rất ghét tôi, có nhiều lần tôi hoàn toàn không nói chuyện nhưng tự nhiên cô ngoảnh xuống mắng tôi té tát. Cô còn viết thư về cho mẹ tôi khiến mẹ tôi viết một hàng chữ lên mũ rơm bắt tôi đội: Không được nói chuyện trong lớp. Tên cô là Lài. Cô hay mang các bài văn của tôi ra đọc và giễu trước lớp dù tôi nghĩ là mình viết không tệ lắm. Nhưng cũng nhờ cô này mà tôi biết thế nào là... thư tình.
Một hôm cô đưa cho tôi một quyển sách để giao cho tôi về soạn một bài địa, thuyết trình về Thủ đô các nước. Hồi nhỏ tôi rất giỏi nhớ tên nước, Thủ đô và lãnh tụ các nước trên thế giới. Khi về mở quyển sách ra thì có một lá thư cô gửi cho ai đó. Mới có mấy dòng: Châu Lộc ngày tháng năm, Xuân đi để lại hoa tàn/ anh đi để lại muôn vàn nhớ thương. Anh xa quý, từ ngày xa anh... mới có mấy dòng như thế thì hết, nhưng tôi phát hiện ra một điều vĩ đại là muốn viết thư tình thì phải có hai câu thơ ở trên và sau này biết thêm, ngoài bì thư cũng như thế, đại loại: Xa xôi tình cảm dạt dào/ nhờ anh bưu điện gửi vào tận tay. Có anh bưu điện nghịch, lấy bút đề phía dưới: Thư này ông éo chuyển ngay/ Để xem tình cảm chúng mày ra sao? Phần lớn là: “em hậu phương Nguyễn Thị A - Gửi anh tiền tuyến Nguyễn Văn A”.
Cấp 2 thì tôi ấn tượng và quý nhất cô Quy và cô Quyền. Cô Quyền dạy văn tôi trước đồng thời làm chủ nhiệm lớp tôi đến 2 năm. Trong tôi cô rất xinh và giỏi, đến nỗi mình nghĩ cô không... bài tiết. Xinh và giỏi thế ai lại cũng làm cái việc bình thường mà ai cũng làm ấy thế. Thế nhưng khốn khổ, trường sơ tán, nhà vệ sinh rất sơ sài, chỉ là cái hố bắc cây tre qua, quây lá chuối, ruồi nhặng ù ù và tôi đã thấy cô làm việc ấy ở cái nơi vô cùng bẩn thỉu ấy. Trời ạ, có ai biết tôi đã thất vọng đến như thế nào không? Hình như thậm chí là tôi đã... khóc.
Nhưng cô vẫn là thần tượng của tôi. Nhà cô ở xã dưới. Hết giờ lên lớp có hôm tôi thấy cô đi đón củi. Là cái làng ấy người ta phải dậy từ 3 giờ sáng vào rừng lấy củi hoặc cắt bổi. Tối mịt mới về, thường là có người nhà đi đón vì người đi kiếm củi đã đi cả ngày và gánh từ rừng về rất nặng. Đón củi là cứ đi theo con đường người lấy củi sẽ về, gặp đâu thì gánh đổi vai đấy. Lúc này cô trút quần phíp ra, trút áo cổ lá sen màu xanh ra, trút đôi dép nhựa Tiền Phong ra, mặc một cái quần vải, cái áo nâu và đi đất. Tôi cũng thất vọng ghê gớm.
Cô yêu một chú ở làng Phong Mục, đi Đức về nên cô là người đầu tiên ở vùng ấy có xe Đi-a -măng và cái đài (radio). Trời ơi chiều chiều nhìn cô xoãi người trên chiếc Đi-a-măng ghi-đông ngang mới thánh thiện và lãng mạn làm sao.
Cô Quy thì lớp 7, là lớp cuối cấp 2 mới dạy tôi. Cô là vợ chú Dược, Phó giám đốc xí nghiệp than bùn, cơ quan ngay bên Nhà máy Diêm 3-4 ở xã Châu Lộc, Hậu Lộc mà mẹ tôi cũng là Phó giám đốc, vì thế nhà tôi quen nhau từ hồi ấy. Chú Dược sau này rất nổi tiếng, làm Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Bông Sen (giờ nó lặn mất tiêu đâu rồi) rồi Phó tổng giám đốc Liên hiệp Thuốc lá, 2 khóa đại biểu Quốc hội. Khi tôi vào học lớp 8, tương đương lớp 10 bây giờ và phải thi chuyển cấp rất khó, cả xã chỉ có mấy đứa đậu, thì cô cũng đi học ở Đại học Sư phạm Vinh. Tôi còn nhớ khi chia tay cô nói: Cô trò mình cùng thi đua nhé. Tôi lại nhớ có lần đang đứng chơi cô bảo: Hùng quay mặt đi để cô cho em bú. Chắc cái đứa bú tí mẹ mà sợ tôi nhìn thấy ấy là cái Hải Anh bây giờ làm ở VTV2, tên hay nằm ở mục chịu trách nhiệm ấy, nhanh thật.
Cách đây gần chục năm, một hôm tôi đang đi công tác thì vợ gọi: Anh có cô giáo cũ đến thăm. Tôi hỏi ai, bảo cô Quy thì tôi vô cùng bất ngờ và cảm động. Học trò bố láo, đi khắp nơi khắp chốn chả tìm thăm cô lại để cô đến tìm mình, mà lại từ Hà Nội vào Pleiku. Sau cô có gửi cho tôi cái ảnh cô chụp với vợ tôi ở trước cửa khách sạn Pleiku, người bấm máy là chú Dược. Chuyến ấy chú Dược đi kiểm tra vùng nguyên liệu thuốc lá ở huyện Krông Pa, cô đi theo và vào tìm tôi. Giờ thì tôi và cô liên lạc thường xuyên, cô còn làm thơ, đã in mấy tập, trong đó có một tập tôi là người viết giới thiệu dù tôi rất ít làm việc này. Nhớ có lần hai vợ chồng tôi đang ở Hà Nội thì có số điện thoại lạ gọi, nghe thì bảo em là con cô Quy, em vào Pleiku công tác, mẹ bảo vào thăm anh. Bảo em ơi anh đang ở Hà Nội, nó hỏi mẹ em biết chưa? rồi tắt máy luôn, tí thì cô Quy gọi: anh đang ở Hà Nội hả, có định đến thăm cô không đấy. Huhu quả tình là định trốn vì thời gian ít mà nhiều người hẹn quá. Thế là phải từ chối một cuộc hẹn và đến nhà cô, kéo theo mấy ông nhà văn trẻ nữa, phá như giặc.
Mới đây tôi về Thanh, chuyến thứ nhất thì tìm thăm cô Quyền, đi cả ôtô, xe máy và đi bộ thì đến nhà cô ở làng Phong Mục, Châu Lộc, Hậu Lộc. Cô tất nhiên là già hơn nhưng vẫn xinh như xưa. Các con đã trưởng thành cả, chồng vẫn là cái chú đi Đức về ngày xưa, giờ là một ông lão trông lành lắm. Chuyến thứ hai thì tìm thăm thầy Vĩ. Thầy dạy văn tôi cấp 3. Cấp 3 có hai người dạy văn ấn tượng với tôi là thầy Vĩ và cô Quyền, cũng là Quyền nhưng dạy cấp 3, chủ nhiệm tôi hồi lớp 9, nghe nói giờ ở Hà Nội nhưng tôi chưa liên lạc được. Kỷ niệm 35 năm ngày ra trường cấp 3 Hậu Lộc, tôi là người xa nhất về dự, chúng nó làm rất oách, cả khối mấy trăm đứa về gần hai trăm, có quà cho trường, có liên hoan và quà cho từng người về dự, nghe nói chỉ do hai thằng đại gia bỏ ra. Nhưng chúng nó quên thầy Vĩ.
Tôi ngơ ngác vào, chả ai biết mình là ai, lướt mắt tìm thầy Vĩ không thấy bèn hỏi một đứa trong Ban tổ chức: Thầy Vĩ đâu. Nó bảo có mời nhưng không thấy đến. Thằng này học lớp khác và không học thầy Vĩ. Tôi quay ra nói mấy đứa trong lớp đứa nào biết nhà thầy Vĩ thì dẫn đường tao cho xe đi đón. Đến nơi mới biết thầy không nhận được giấy mời, nhưng ông cũng rất cảm động, lập cập xỏ quần đi ngay. Trên xe ông khoe với tôi là ông có 4 học trò là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ví dụ như Trịnh Thanh Sơn, Trần Hiệp, ai nữa đấy và tôi. Bản thân ông cũng là hội viên của CLB thơ Việt Nam. Ông bảo đời ông thế là mãn nguyện rồi.
Bây giờ giáo dục nhiều chuyện buồn, thời tôi đi học rất khổ, sơ tán ư, lao động ư, lao động cật lực ấy để tự làm lớp học cho mình, vận chuyển vật liệu bằng xe đạp với ai có xe, còn không thì gánh, rất xa, hàng mấy chục cây số... nhưng rất vui. Đói vàng mắt. Tôi còn có xe đạp Phượng Hoàng để đi, quần si với dép nhựa Tiền Phong nữa, mấy đứa khác toàn chân đất đi bộ đến trường mà lạnh quắt tai. Thế nhưng ít thấy đánh nhau, ít thấy trò hỗn hào, ít thấy chửi bậy nữa. Tết hoặc 20/11 quà thường là ấm chè xanh... thế mà bây giờ cô trò vẫn ấm áp như xưa. 40 năm ra trường, cũng có tổ chức nhưng tôi không về được bởi tình thế bất khả kháng và hứa với chúng năm này sẽ về, dù là năm lẻ. Bài này như một khởi động để... buộc mình phải nhớ...
Tác giả: VĂN CÔNG HÙNG
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống