Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: LS |
Ngày 18/7, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác ngành Thanh tra 6 tháng cuối năm.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, từ đầu năm đến nay, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 3.550 cuộc thanh tra hành chính và hơn 84.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm với số tiền lên tới 50.339 tỷ đồng và liên quan tới 1.004 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 54.144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.587 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực…
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra có nhiều đổi mới, trong đó đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra từ những năm trước đây như: Việc chậm ban hành kết luận thanh tra; việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là tại doanh nghiệp; công tác đôn đốc việc thực hiện kết luận chỉ đạo và xử lý về thanh tra nhất là về tiền, tài sản, đất đai và việc hoàn thiện cơ chế, chính sách…
Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Thanh tra.
Tuy nhiên, trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, việc theo dõi tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân sau khi Trụ sở tiếp công dân Trung ương chuyển đơn về địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả; công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiếp công dân và xử lý đơn thư đã có chuyển biến nhưng chậm; Nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót; việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn có nơi chưa tốt.
Kết quả triển khai thực hiện Luật tố cáo năm 2018 chưa đồng đều, nhất là một số nội dung mới. Mặc dù đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả, nhưng nhìn chung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn mang tính hình thức, chưa có chiểu sâu. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này mặc dù đã được quan tâm thúc đẩy nhưng tiến triển còn chậm.
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác ngành Thanh tra 6 tháng cuối năm. Ảnh: LS |
Về nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng cuối năm, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số nội dung công việc cần hoàn thành như: Kế hoạch thanh tra, thanh tra đột xuất đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2019 có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng yêu cầu của Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết KNTC, lưu ý việc triển khai Luật tố cáo (sửa đổi) sắp có hiệu lực; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng; đôn đốc các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; quan tâm công tác xây dựng ngành, nhất là việc hoàn thiện thể chế, các quy định của ngành...
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Thanh tra đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019. Phó Thủ tướng khẳng định, trên các mặt công tác, ngành Thanh tra đều có sự chuyển biến tích cực như: Chú trọng xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra theo định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu thực hiện các giải pháp về tiếp công dân, giải quyết KNTC; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra cần tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, trọng tâm là triển khai kế hoạch rà soát các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong chỉ đạo, điều hành triển khai công tác thanh tra, giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng...
Tác giả: L.Sơn
Nguồn tin: Báo Tin tức