Trong tỉnh

Thành phố nhỏ nhất Việt Nam đón gần 1 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Thanh Hóa đón hơn 1,5 triệu lượt khách, riêng thành phố du lịch Sầm Sơn đã đón hơn 0,9 triệu lượt.

Hàng triệu du khách tới Thanh Hóa dịp nghỉ lễ

Ngày 1/5, theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5 các khu du lịch trong toàn tỉnh đã đón được hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, nghỉ ngơi. Riêng Tp.Sầm Sơn vẫn là đầu tàu của du lịch tỉnh Thanh Hóa với gần 1 triệu du khách.

Cụ thể, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 đến 1/5), khách đến Thanh Hóa ước đạt khoảng 1.520.000 lượt khách, tăng 27,2% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2023. Tổng thu du lịch đạt khoảng 3.805 tỉ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng 82,5%.

Trong đó, du lịch biển vẫn là thế mạnh và Sầm Sơn là đầu tàu với khoảng 905.000 lượt khách, chiếm tới 60% tổng lượng khách của cả tỉnh Thanh Hóa. Năm nay, các địa điểm thu hút, tập trung nhiều du khách tại Sầm Sơn như: khu quần thể nghỉ dưỡng FLC Samson Beach & Golf Resort, khu quảng trường biển Sầm Sơn, Khu trục cảnh quan và vui chơi của Sun Group với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn "ngoài tắm biển" đã thu hút lượng lớn du khách.

Rất đông du khách tới Sầm Sơn dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Ngoài Sầm Sơn, các địa danh du lịch khác của tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận những con số tích cực, gồm: thị xã Nghi Sơn đón 86.700 lượt khách; Hải Tiến đón 89.800 lượt khách; Tp.Thanh Hóa đón 65.600 lượt khách; khu du lịch Pù Luông đón 62.500 lượt; Thành nhà Hồ đón 11.700 lượt khách; Lam Kinh đón 9.200 lượt khách; Bến En đón 3.400 lượt khách; Bản Mạ đón 3.700 lượt khách...

Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo Tp.Sầm Sơn cho biết, với mục tiêu xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, mang tính chuyên nghiệp dài hơi, địa phương này cũng đã tập trung thu hút phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội gắn với phát triển thành phố thông minh, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số.

Đồng thời, với nhiều tiềm năng lợi thế, thành phố Sầm Sơn cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong đó có các tập đoàn lớn, hoạt động chuyên nghiệp trong ngành du lịch như tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), Tập đoàn FLC,… với vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đã từng bước nâng cao chất lượng du lịch Sầm Sơn.

Ngoài các điều kiện trên, nhiều năm qua, thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo,… chấm dứt tình trạng chặt chém, từ đó từng bước nâng cao chất lượng du lịch của địa phương, đưa du lịch Sầm Sơn ngày càng thân thiện, hấp dẫn và chuyên nghiệp trong mắt du khách.

"Năm nay do kỳ nghỉ lễ dài, thời tiết thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện đi cùng với việc Sầm Sơn khai trương thêm nhiều sản phẩm du lịch mới... từ đó, đã thu hút lượng lớn du khách trong dịp nghỉ lễ. Hy vọng với những cố gắng không ngừng nghỉ, Sầm Sơn sẽ ngày càng hấp dẫn, và trở thành điểm đến lý tưởng hơn trong mắt du khách mỗi ngày", ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND Tp.Sầm Sơn chia sẻ.

Thanh Hóa nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Thanh Hóa được biết tới là địa phương hội tụ nhiều yếu tố có thể khai thác phát triển du lịch như: sở hữu bờ biển dài 120km, với những bãi tắm nổi tiếng Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà... cùng với đó là nhiều di tích, danh thắng như Thành nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh, Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương... Trong đó, du lịch biển Sầm Sơn được xem như đầu tàu, hạt nhân giúp thu hút du khách.

Với những tiềm năng đó, những năm qua, du lịch Thanh Hóa nói chung, tiêu biểu là Tp.Sầm Sơn đã có những định hướng đúng đắn, tập trung nguồn lực chăm chỉ bồi đắp, từng bước xây dựng, định vị thương hiệu trong lòng du khách. Trong đó, địa phương trển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường cơ sở vật chất, chỉnh trang khu du lịch, làm mới, phát triển thêm sản phẩm du lịch đặc thù. Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các sự kiện, liên kết, kết nối khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch... của du lịch xứ Thanh.

Theo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh Hóa, thời gian qua Thanh Hóa đã không ngừng sáng tạo, đổi mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng. Kết nối nhiều tua, tuyến trong tỉnh và liên khu vực Bắc Trung Bộ.

Thành nhà Hồ với kiến trúc đá độc đáo, là điểm đến du lịch hấp dẫn tại xứ Thanh.

Trong đó, các địa phương, ban quản lý các khu, điểm du lịch và lực lượng chức năng đã có sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn điểm đến, bảo đảm tốt nhất các điều kiện phục vụ du khách. Hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; niêm yết công khai giá bán và bán đúng giá niêm yết; công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Năm 2024, Thanh Hóa sẽ phối hợp tổ chức 145 sự kiện, trong đó có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch sẽ được tổ chức trải dài trong năm 2024 sẽ góp phần hiện thực hóa thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa", tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách. Năm nay, Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỉ đồng.

Thành phố Sầm Sơn (trực thuộc tỉnh Thanh Hóa) là thành phố có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, với diện tích 44,94 km2. Đây là thành phố ven biển và được nâng cấp lên đô thị loại III vào tháng 4/2017. Năm 2024, thành phố Sầm Sơn đặt mục tiêu sẽ đón 8,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 15.700 tỷ đồng.

Tác giả: Nguyễn Hữu Phương

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok