Thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa dù là thành phố nhỏ nhất cả nước, nhưng chỉ hơn 2 năm qua đã đón tới gần 14 triệu lượt khách du lịch |
Theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn trong giai đoạn 2021 - 2023, thành phố nhỏ nhất cả nước này đã đón được gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 25.000 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Sầm Sơn đã đón khoảng 5,3 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt hơn 9.160 tỉ đồng, góp phần quan trọng để Thanh Hóa giữ vị trí thứ 4 của cả nước về số lượng lượt khách và doanh thu từ du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023.
Hiện nay, thành phố Sầm Sơn có 710 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác. Ước tính đến hết năm 2023, thành phố Sầm Sơn có 25.000 lao động du lịch.
Thời điểm này bãi biển Sầm Sơn luôn chật kín khách du lịch |
Trao đổi với VnEconomy về sự thay đổi của địa phương những năm qua, ông Bùi Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cho biết xác định du lịch là ngành kinh tế chủ đạo, những năm gần đây thành phố chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, những người trực tiếp làm kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Qua đó, thay đổi nhận thức, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, không ngừng xây dựng hình ảnh đất và người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè và du khách, để Sầm Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Như năm 2023, thành phố dự kiến mở 9 lớp tập huấn cho hơn 2.900 cán bộ quản lý, chủ các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và người lao động trực tiếp tham gia hoạt động dịch vụ du lịch. Ngoài ra, thành phố cùng với tỉnh luôn mở rộng cửa mời gọi các nhà đầu tư lớn cùng đồng hành để xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở của thành phố hoàn thiện, khang trang và có điểm nhấn nổi bật trong du lịch.
Hơn 2 năm qua, phát triển hạ tầng du lịch, thành phố Sầm Sơn đã huy động hơn 24.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư đã đầu tư vào thành phố, như: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội; khu đô thị Quảng trường biển, khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Sông Đơ; khu đô thị, dịch vụ thương mại phía Nam Sầm Sơn ... Những dự án này đã và đang được triển khai, đưa vào khai thác. Bên cạnh việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các đầu tư các dự án về hạ tầng đô thị, du lịch từ nguồn ngân sách, như: đường Thanh Niên, đường Tây Sầm Sơn 5, đường Hai Bà Trưng, đại lộ Nam Sông Mã...
Quảng Trường biển tại Sầm Sơn là một trong những công trình điểm nhấn của du lịch của thành phố này |
Đặc biệt năm 2022, thành phố này đã được tỉnh Thanh Hóa ban hành cơ chế đặc thù theo đó, thành phố được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất không quá 5.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 9 danh mục công trình, dự án nhằm hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội của thành phố.
Thế nhưng, để du lịch Sầm Sơn phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có trong thời gian tới, vẫn còn những “nút thắt” cần được tháo gỡ như chia sẻ của Bí thư Thành ủy thành phố Sầm Sơn Lương Tất Thắng tại buổi họp báo, thông tin lễ hội du lịch biển năm 2023 thời điểm cuối tháng 4 vừa qua.
Đầu tiên về hiện trạng phát triển hạ tầng du lịch biển Sầm Sơn, theo ông Thắng, hiện nay thành phố Sầm Sơn mới chỉ tập trung phát triển được hạ tầng du lịch khu vực phía Bắc từ chân dãy núi Trường Lệ đến khu nghỉ dưỡng FLC. Phần phía Nam dãy núi Trường Lệ vẫn hạ tầng vẫn chưa thật sự phát triển. Hiện nay, khu vực này mới chỉ có khu du lịch nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn và một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Thời gian tới thành phố Sầm Sơn tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng khu du lịch phía nam dãy Trường Lệ, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư khai thác khu dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn.
Thứ hai, việc kiểm soát giá cả đối với các dịch vụ du lịch trên địa bàn, những năm gần đây và cả thời gian tới, thành phố Sầm Sơn sẽ kiên quyết xử lý đến cùng nếu có phản ánh của du khách về nạn "chặt chém". Bất kỳ lúc nào, đường dây nóng của thành phố này cũng tiếp nhận tin từ du khách và giải quyết ngay. Những phản ánh này được truyền trực tiếp tới hệ trung tâm điều hành, nên không có chuyện cả nể cho qua. Chính sự kiên quyết đó đã mang tính răn đe rất lớn, hạn chế tình trạng "chặt chém" trên địa bàn thành phố trong thời gian qua".
Tiếp đến là vấn đề quản lý hoạt động xe điện 4 bánh tại thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố Sầm Sơn có 5 đơn vị tham gia kinh doanh xe điện 4 bánh với tổng số 474 xe. Mỗi đơn vị đều được quy định 1 màu áo và ký hiệu khác nhau nên rất dễ nhận biết. Toàn bộ các phương tiện đều được đăng kiểm, đăng ký theo định kỳ. Trong những năm qua, thành phố Sầm Sơn cố gắng giữ không cho tăng thêm số lượng xe điện trên địa bàn. Hình ảnh du lịch Sầm Sơn bị hoen ố, xấu đi đến 70% do xe điện, những hành vi chở khách vào một nhà hàng nào đấy, khách không xuống ăn lại đuổi khách không chở nữa, gạ khách mua nước mắm, mua hải sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đậu đỗ bừa bãi, chạy ẩu, lạng lách.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, năm 2023, thành phố Sầm Sơn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin cho du khách. Thành phố có biển cảnh báo các hành vi có thể lừa đảo của xe điện như gạ gẫm đi mua đồ, chèo kéo, hành vi không chuẩn mực của lái xe... đồng thời có số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ánh. Ngoài việc thành lập các tổ công tác chuyên xử lý qua dường dây nóng. Lãnh đạo thành phố Sầm Sơn còn yêu cầu lực lượng chức năng tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của xe điện, thậm chí sẽ tạm giữ xe từ 15 ngày đến 1 tháng mới đủ sức răn đe.
Tác giả: Nguyễn Thuấn
Nguồn tin: vneconomy.vn